Kinh tế

Không quẹt thẻ tín dụng vẫn mất tiền triệu

Khác với thẻ ATM, thẻ tín dụng không cần mật khẩu vẫn có thể thanh toán nên nếu thất lạc hoặc mất thông tin thẻ, bạn có thể mất hết tiền.

Nếu như thẻ ghi nợ nội địa (ATM) cho phép rút tiền, thanh toán trực tuyến hoặc tại quầy với điều kiện nhập đúng mã PIN (mật khẩu) thì thẻ tín dụng (credit) và thẻ ghi nợ quốc tế (debit) lại không yêu cầu nhập PIN. Do đó, nếu sử dụng không cẩn thận và mắc vào những trường hợp sau, bạn có thể bị mất tiền oan ngay cả khi chính mình không tiêu xài.

Mất thẻ

Một khách hàng tại TP HCM gần đây vừa bị kẻ gian đột nhập lấy cắp thẻ tín dụng mà không hề hay biết. Chỉ đến khi đang ngồi nhà vào buổi tối, điện thoại báo tin nhắn có hai giao dịch bằng thẻ tín dụng của mình được thanh toán tại một cửa hàng điện thoại di động với số tiền gần 40 triệu đồng, anh mới tá hoả. Ngay sau đó, dù đã gọi điện thoại lên tổng đài của ngân hàng phát hành thông báo mất thẻ nhưng đây là sai sót do lỗi từ phía khách hàng (để mất thẻ) nên nhà băng cho biết không thể bồi thường. Ngân hàng chỉ hỗ trợ khách cung cấp các thông tin để hợp tác với cơ quan điều tra.

Tương tự, chị Minh Hằng (Thái Hà, Hà Nội) trong một lần đi nghỉ tại TP HCM cũng bị rơi ví trong đó có thẻ tín dụng với hạn mức được cấp khá lớn. Ngay sau đó, kẻ cắp đã "quẹt" bằng thẻ của chị để mua 2 chiếc iPhone 6 tại một cửa hàng điện máy, điện thoại di động.

Luôn để thẻ tín dụng trong tầm kiểm soát của bản thân và sẵn sàng báo cho ngân hàng khi mất thẻ là cách dễ nhất để bảo vệ rủi ro.


Trên thực tế, các hệ thống bán lẻ điện máy, điện thoại nằm trong danh sách những điểm tiêu thụ thẻ ăn cắp và thông tin thẻ ăn cắp hàng đầu. Lý do, đây là dạng merchant - điểm chấp nhận thanh toán thẻ - lý tưởng cho những tội phạm thẻ: việc mua bán dễ dàng, giá trị thanh toán lớn, hàng hoá mua xong dễ thanh lý, quy trình quẹt thẻ lỏng lẻo... Hiện một số cửa hàng đã yêu cầu khách quẹt thẻ tín dụng để mua hàng giá trị lớn phải xuất trình Chứng minh nhân dân (CMND). Tuy nhiên, việc này gây phiền hà nhiều cho khách hàng nên quy định này không được đón nhận và cũng sớm bị "chết yểu".

Mất thông tin thẻ

Với thẻ tín dụng, dù vẫn nằm trong ví, bạn vẫn có thể mất tiền nếu để lộ thông tin thẻ cho kẻ gian. Đây cũng là trường hợp thường gây nhiều tranh cãi nhất giữa ngân hàng và khách hàng về trách nhiệm khi xảy ra sự cố khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau là "thủ phạm" lộ thông tin.

Ăn cắp thông tin tại Việt Nam rồi bán ra nước ngoài là phương thức phổ biến nhất hiện nay đối với thẻ tín dụng. Cách đây không lâu, một chủ thẻ tên Trang (sống tại TP HCM, chưa một lần bước chân đến nước Anh) nhưng lại nhận tin nhắn thông báo trừ tiền của ngân hàng với giao dịch để mua thực phẩm với giá trị 174 bảng (khoảng 5,7 triệu đồng). Tương tự, một khách hàng tại Nam Định cũng "nếm trái đắng" và bị thiệt hại 48 triệu đồng cho 5 giao dịch được thanh toán online bằng bảng Anh từ tài khoản Visa Debit trong khi thẻ vẫn cất tủ.

Quy trình thanh toán trực tuyến đối với thẻ tín dụng hiện nay khá sơ sài. Khác với thẻ nội địa, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ thời hạn hiệu lực và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả các thông tin này đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ. Hiện rất ít ngân hàng sử dụng phương thức xác thực bằng mật khẩu dùng một lần (OTP - one time password) để gửi mật khẩu qua tin nhắn cho khách hàng xác nhận trước khi thanh toán.

Giám đốc một trung tâm thẻ của ngân hàng cho rằng lộ thông tin có thể xảy ra do vô tình ở nhà hàng siêu thị. Nếu nhân viên cửa hàng gian lận, khách không để ý, họ có thể copy, chụp lại thông tin in trên thẻ sau đó bán ra nước ngoài.

Tại hầu hết các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ ở Việt Nam, nhân viên thu ngân đều tự tay quẹt thẻ thay vì đưa cho chủ thẻ thực hiện. Chưa kể, trong một số trường hợp, chủ thẻ tín dụng khá chủ quan khi đưa thẻ cho nhân viên thu ngân ở ngoài tầm nhìn của mình.

Không thông báo cho ngân hàng khi mất thẻ, thông tin thẻ

Theo quy định của các tổ chức thẻ quốc tế và tại điều khoản phát hành thẻ của các ngân hàng cũng nêu rõ, trước thời điểm thông báo về việc bị mất, đánh cắp thẻ, thông tin thẻ, khách hàng phải chịu trách nhiệm về mọi giao dịch của mình.

Do đó, giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng cổ phần khuyến cáo, ngay khi phát hiện bị mất thẻ ngân hàng, dù là thẻ tín dụng (credit) hay ghi nợ quốc tế (debit), việc đầu tiên khách hàng cần làm là phải thông báo với ngân hàng phát hành để chặn việc kẻ gian có thể dùng thẻ để thanh toán. "Kể từ thời điểm ngân hàng nhận được thông báo mất thẻ và yêu cầu khoá thẻ của khách, ngân hàng phải chịu toàn bộ trách nhiệm với những giao dịch lạ phát sinh về sau", ông nói.

Tuy nhiên, với điều khoản "miễn trừ" này, nhiều khách hàng cho rằng đến nay quyền lợi của họ không hề được ai bảo vệ (trong trường hợp sự cố xảy ra do mất thông tin thẻ). Chưa kể, sau khi sự cố xảy ra, sự phối hợp và hỗ trợ của ngân hàng với khách để tìm ra nguyên nhân và khắc phục cũng được xem là vấn đề lớn. Nhiều khách hàng cho biết, họ luôn bị đổ lỗi trong khi thực tế, ngân hàng là đơn vị nắm đằng chuôi và cũng không loại trừ khả năng thông tin bị rò rỉ từ chính cơ sở dữ liệu của khách hàng.

Bất cứ khi nào cho rằng thông tin thẻ của mình đã bị lộ hoặc từng giao dịch ở một số những nước tai tiếng về an ninh thẻ tín dụng, bạn cũng nên chủ động liên lạc với ngân hàng để đổi thẻ khác. Khi đổi thẻ, toàn bộ thông tin trên thẻ sẽ được thay thế (trong đó có số thẻ và CVV). Một vài người sử dụng thẻ tín dụng chọn cách tự ghi nhớ 3 số CVV ở mặt sau thẻ (để hạn chế việc thẻ bị sao chụp và ăn cắp thông tin để thanh toán online). Tuy nhiên, bạn chỉ nên làm cách này khi tự tin vào trí nhớ của mình.

Tác giả bài viết: Thanh Thanh Lan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP