Thể thao

Không phải Triều Tiên, Việt Nam mới là đội bóng bí ẩn nhất TG

Trước thềm trận giao hữu giữa Việt Nam và Triều Tiên, báo chí cũng như NHM của chúng ta liên tục gọi đội bạn là "đội bóng bí ẩn nhất thế giới". Nhưng mà...

Liệu cụm từ sặc mùi tiểu thuyết trinh thám kể trên có thực sự hợp lý với đội tuyển đang xếp cao hơn chúng ta 23 bậc trên BXH FIFA? Họ hiện ở vị trí 118, phân tích theo giọng dân buôn xe có nghĩa là "đầu nhất đuôi phát". Ta hiện ở vị trí 141, dãy số làm liên tưởng đến các chốt liên ngành kiểm tra giao thông hơn là bóng đá.

Nói về Triều Tiên, thực sự là đội bóng này đã lộ diện hoàn toàn khi xuất hiện một cách đầy hào hứng tại World Cup 2010. Tại giải đấu trên đất Nam Phi dạo nọ, Triều Tiên suýt cầm hòa Brazil trong trận ra quân. Với màn trình diễn ấn tượng của mình, cầu thủ Jong Tae-Se đã được ví von là Rooney của châu Á.


Triều Tiên từng suýt cầm hòa được Brazil.

Không chỉ đã 2 lần giành vé dự World Cup, thậm chí còn vào đến tứ kết năm 1966, Triều Tiên còn liên tục gây tiếng vang tại các giải đấu khác. Ví dụ tại Asian Cup, Triều Tiên đã góp mặt 4 lần với thành tích tốt nhất là lọt vào bán kết năm 1980. Ngoài ra, họ còn hai lần vô địch AFC Challenge Cup và một lần vô địch Nehru Cup.

Lý do giúp Triều Tiên đạt nhiều thành công, bên cạnh kỹ thuật chuyên môn cao, thể hình và thể lực tốt, họ luôn ra sân với quyết tâm đá "chết bỏ".

Với nguyên tắc của Triều Tiên, ai thi đấu vật vờ, không tôn trọng khán giả là sẽ bị kỷ luật cực nặng chứ đừng đùa. Nghe đồn, các VĐV Triều Tiên không đạt thứ hạng theo yêu cầu tại Olympic vừa qua đã bị điều đi... xúc than.

Các cầu thủ Triều Tiên luôn thi đấu rất nhiệt tình.

Ngược lại, bóng đá của ta chưa bao giờ thoát cảnh hư hư, thực thực. Từ cấp CLB đến ĐTQG, chẳng biết trận nào "có mùi", trận nào sạch, trận nào bán thắng ít, trận nào bán thua nhiều. Đừng nói là người thường, ngay đến các chuyên gia cũng bó tay trong việc giải mã sự thất thường còn hơn cả thời tiết của bóng đá Việt Nam.

Có lẽ chính vì "đánh trận giả" nhiều, tới nay bóng đá Việt Nam vẫn chưa định hình được phong cách. Lúc thì ta noi theo trường phái tạt cánh đánh đầu, lúc ta lại bắt chước tiki-taka.

Gặp đối thủ yếu có thể ta vẫn tập trung đặt xe bus trước khung thành, gặp đối thủ mạnh ta lại tấn công không thèm phòng vệ. Trước ta sính HLV ngoại, giờ ta lại tin dùng thầy nội. Và mặc cho tất cả đoán già đoán non, chẳng biết khi nào ĐT Việt Nam sẽ huy động các cầu thủ nhập tịch.

Không như đa số các làng cầu khác, sau nhiều năm mở cửa hội nhập, ta vẫn chưa rõ mục tiêu của mình là gì. Dạo nọ, ta mơ vượt Thái. Bây giờ, dường như ta chỉ mong đừng để Lào hay Đông Timor bắt kịp. Thi xong xuôi tất cả lại về, không biết chừng đó chính là cái đích cuối cùng mà chúng ta đang hướng tới.

Bóng đá Việt Nam quá bí hiểm, thể hiện ngay cả ở cái biệt danh. Với Triều Tiên, tất cả đều biết biệt danh của họ là Chollima. Theo truyền thuyết, Chollima là một loài ngựa thần thánh, có cánh, ngày bay được ngàn dặm. Nhắc đến biệt danh của ĐT Việt Nam, đố ai trả lời chính xác được đấy.

Mò vào từ điển trực tuyến mở Wikipedia, chợt thấy nickname của ĐTVN là The Golden Stars. Dịch ra tiếng Việt là "Những ngôi sao vàng". Nghe lạ không? Chắc chẳng mấy ai trong số gần 100 triệu con Lạc cháu Hồng từng một lần nhắc đến cụm từ này khi cổ vũ ĐT Việt Nam.


Bạn đã bao giờ gọi Việt Nam là "The Golden Stars"?

Đơn giản bởi The Golden Stars là biệt danh mà truyền thông quốc tế, cụ thể là trang tin ESPN phiên bản Đông Nam Á, "sáng tác" hộ chúng ta vào năm 2012, sau khi bất lực trong việc tháo gỡ một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử túc cầu.

Xin lỗi CHDCND Triều Tiên, đội bóng của các bạn chưa bao giờ là đội bóng bí ẩn nhất thế giới cả.

Tác giả bài viết: AQ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP