Không phải cầu thủ nào từ Học viện HAGL Arsenal JMG cũng thành công như Văn Toàn (phải). Ảnh: Quang Liêm
Chưa xét đến khía cạnh chuyên môn, mỗi khi nhắc đến cái tên thì họ - những cầu thủ xuất thân từ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG – đã tạo được sức hút đáng kể trong giới mộ điệu. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã quá nhẵn mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả những em nhỏ cũng đọc vanh vách tên của họ.
Người trên núi cao
Ở V-League 2015, những “idol” này đi đến đâu đều kéo theo một lượng người hâm mộ nhất định. Các khán đài ở V-League dậy sóng trước, trong và sau trận đấu là hình ảnh tiêu biểu để nói lên sự quan tâm, tầm ảnh hưởng của các cầu thủ trẻ này.
Nhìn nhận từ khía cạnh chuyên môn, cả 3 cầu thủ trên đã phần nào tạo được dấu ấn. Họ được đi cho “du học” sang Nhật và Hàn Quốc ở đầu mùa giải này. Hơn hết, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cũng đã tạo những hình ảnh nhất định trong màu áo các ĐTQG.
Kém hơn một chút so với bộ ba nói trên là những Đông Triều, Đức Lương, Văn Sơn hay Hồng Duy. Tuy không nổi bật như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, song những cầu thủ này cũng đã có những đóng góp nhất định cho HAGL ở mùa giải vừa qua.
Trong bối cảnh các trụ cột đã được cho ra nước ngoài học hỏi, họ đã phần nào chứng tỏ năng lực để là “xương sống” trong chiến tích trụ hạng của đội nhà. Việc Đông Triều, Văn Sơn và Hồng Duy được gọi tập trung lên đội U22 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu quốc tế tại Trung Quốc tới đây là sự ghi nhận đáng kể cho nỗ lực của họ.
Kẻ dưới vực sâu
Tổng cộng 15 cái tên ở khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG được “xuất xưởng”, song chỉ có 7 cầu thủ kể trên tạo dựng được tên tuổi và đang phát triển theo chu trình mà đội bóng phố Núi mong muốn. Vậy, 8 cầu thủ khác bây giờ ra sao?
Cho dù tiếp tục theo nghiệp quần đùi áo số hay giã từ thì họ đều gặp số phận hẩm hiu. Nguyễn Lam và Tiến Hoài vẫn được góp mặt ở thành phần đội 1 HAGL trong 2 mùa giải gần đây. Song cả 2 đều không tạo được dấu ấn nhất định và số lần ra sân của họ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở V-League 2016, Nguyễn Lam chỉ được HLV Nguyễn Quốc Tuấn tung ra sân 2 lần với vỏn vẹn 59 phút và kịp đóng góp 1 bàn thắng. Trong khi đó, Tiến Hoài không được ra sân một phút nào và chỉ mài ống quần trên băng ghế dự bị.
Tuy không được ra sân nhiều song Tiến Hoài và Nguyễn Lam còn thuộc dạng may mắn hơn các đồng đội khác. Lê Văn Vũ, cầu thủ được xem là tài năng nhất khi mới tuyển sinh khóa 1, đã phải giã nghiệp sân cỏ sớm vì sự tắc trách của các bác sĩ. Hiện tại, Vũ vẫn đang được giữ lại để “gõ đầu trẻ” các lứa sau. Trong số các cầu thủ còn lại, chỉ có Nguyễn Văn Đại được giữ lại làm công tác đào tạo trẻ, số còn lại phiêu dạt khắp phương.
Phạm Thành Nam, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Anh Việt lần lượt khoác áo các đội bóng hạng Nhì và hạng Nhất như Kon Tum, Đắk Lắk hay Phú Yên trong 2 năm qua giờ vẫn chưa biết được số phận sẽ trôi về đâu ở mùa giải tới.
Có một điểm chung ở các cầu thủ này là bên cạnh vấn đề khó phát triển chuyên môn thì thể hình hạn chế khiến họ không thể sánh bước cùng đồng đội. Bên cạnh những mảng sáng thì vẫn còn đó những khoảng tối. Và đó là điều khó tránh khỏi với quy luật đào thải khắc nghiệt trong bóng đá đỉnh cao.
* Kỳ 2: Khóa 2: Phai nhạt dấu ấn
Tác giả bài viết: Nam Giao
Nguồn tin: