Trong nước

Không ngừng vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam -Lào

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 24 - 25/2/2019.

Là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chuyến thăm nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao trong việc vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó tin cậy

Những năm qua, quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước; các nội dung tại Kỳ họp lần thứ 39, 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào và đạt được những kết quả tích cực.

Quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường, ngày càng gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong quan hệ hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, nhất là các chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Các Ban của Đảng, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương hai nước thường xuyên sang thăm lẫn nhau để thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như các lĩnh vực chuyên môn. Hai bên phối hợp tuyên truyền sâu rộng về truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào, tổ chức tốt các ngày lễ quan trọng của hai Đảng, hai nước; phối hợp xây dựng các công trình, tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào...

Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển mới, là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư và kế hoạch hợp tác về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển bền vững; hoàn thành các thủ tục pháp lý về Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào.

Hai bên hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”; ngăn chặn và phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn lậu và vận chuyển chất gây nghiện xuyên biên giới. Hai nước từng bước giải quyết tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước; tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Mùa khô 2017-2018, hai bên đã tìm kiếm và hồi hương được 233 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao hai nước đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tham vấn; thường xuyên trao đổi thông tin về các vấn đề quốc tế, khu vực tác động đến mỗi nước và quan hệ giữa hai nước, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc…

Quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực

Các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học kỹ thuật có sự chuyển biến tích cực. Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các nội dung tại Kỳ họp lần thứ 39, 40, 41 Ủy ban liên Chính phủ, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại.

Đến tháng 12/2018, Việt Nam có 409 dự án đầu tư sang Lào, với tổng số vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực thủy điện, khai mỏ, vận tải, trồng cây công nghiệp và dịch vụ. Một số dự án lớn đã hoàn thành tiếp tục được vận hành khai thác tốt như: Thủy điện Xê-ca-mản 1; khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn; Crown Plaza; Dự án của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel… Năm 2017, hai dự án mới được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 12,816 triệu USD; năm 2018 có 8 dự án được cấp phép đầu tư vào Lào, vốn đăng ký 95 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm cho người dân Lào.

Hai bên tích cực triển khai Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại Biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam – Lào; triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavanh, tổ chức xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo; ký Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam – Lào. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1 tỷ USD. Những mặt hàng chính Lào xuất khẩu sang Việt Nam là nước uống, các sản phẩm gỗ và khoáng sản, các sản phẩm nông nghiệp như cao su, cà phê, ngô, khoai mì, gạo, gia súc. Các mặt hàng Lào nhập khẩu từ Việt Nam tập trung vào các nhóm chính như dầu khí, phân bón, thép, máy móc, thiết bị điện, vật liệu xây dựng và phụ tùng.

Thực hiện Bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam – Lào, Bộ Giao thông Vận tải hai nước đã ký Thỏa thuận về Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020). Hai bên đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương và tiểu vùng; tiếp tục phối hợp triển khai các dự án quan trọng mang tính chiến lược, trong đó có hai dự án lớn: Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn dài khoảng 725Km; tuyến đường sắt Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ - Thà khẹc - Viêng Chăn... Hai Bộ Giao thông đã ký bản ghi nhớ về phát triển bến cảng 1, 2, 3 cảng Vũng Áng; thống nhất đổi tên Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt - Lào thành Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt, ký Hiệp định hợp tác và phát triển cảng Vũng Áng (bến 1, 2, 3); thúc đẩy hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nỏng-khạng tại tỉnh Hủa-phăn theo đúng tiến độ đã cam kết vào cuối năm 2019.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tích cực triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020; tiến hành tổng kết, đánh giá hợp tác giáo dục-đào tạo giai đoạn 2011-2015 và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020; phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã hoàn thành, bàn giao chương trình tiếng Việt, bản thảo bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho phía Lào. Hai bên đang khẩn trương hoàn thiện chương trình thí điểm dạy song ngữ Việt – Lào tại trường song ngữ Nguyễn Du. Việt Nam tiếp tục cử giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ, học sinh – sinh viên tại 28 cơ sở giáo dục thuộc 11 tỉnh, thành phố của Lào; hỗ trợ ngành giáo dục Lào hoàn thành, đưa vào sử dụng 6 công trình phục vụ dạy và học.

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục dành 1.271 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào. Đến nay, 14.686 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam và 260 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào. Việt Nam đã mở 24 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 497 cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào trên các lĩnh vực.

Hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào thực chất hơn, thông qua việc trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là dịp để hai bên trao đổi về chủ trương, định hướng các nội dung hợp tác, biện pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trên tổng thể các lĩnh vực.

Diễn ra vào năm bản lề Việt Nam và Lào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn khẳng định sự ủng hộ toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào, nhất là việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Tác giả: Nguyễn Hồng Điệp

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP