Giáo dục

Không nên "thần thánh hoá" giá trị của chứng chỉ IELTS

Nhiều chuyên gia giáo dục nêu quan điểm không đồng tình khi IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác "bị lạm dụng" trong tuyển sinh vào lớp 10.

Không tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên như giải học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ (trong đó có chứng chỉ IELTS).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), công tác tuyển sinh lớp 10 THPT được thực hiện theo văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN - BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian qua, hầu hết địa phương đã thực hiện đúng quy định tuyển sinh vào bậc THCS, THPT. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 có thêm 1 số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên như giải học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ (trong đó có chứng chỉ IELTS).

Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-GDĐT.

Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh đảm bảo đúng quy định tại điều 7 văn bản hợp nhất số 03/VBHD-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.

Đồng thời, chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.

"Trong năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương", báo Lao Động trích văn bản của Bộ GD&ĐT.

Nhiều chuyên gia ủng hộ

Sau khi Bộ GD&ĐT có công văn chấn chỉnh về việc tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10, nhiều chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, đã đến lúc dừng lại việc ưu ái xét tuyển bằng IELTS.

Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm không đồng tình khi IELTS bị "lạm dụng" trong tuyển sinh ở bậc phổ thông và cho rằng: "Lẽ ra yêu cầu này phải được đưa ra sớm hơn".

Theo TS Hương, tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ, một kỹ năng cần thiết nhưng không phải là kĩ năng tối quan trọng. Khi địa phương đưa ra quy định tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì rõ ràng, học sinh sẽ đổ xô học tiếng Anh mà bỏ qua các môn học khác. Điều này sẽ dần tới tình trạng học lệch ở bậc phổ thông.

Tại thời điểm này, với những học sinh đầu tư nhiều thời gian, công sức thi IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác, TS Hương cho rằng, các em và phụ huynh không nên thất vọng, tiếc nuối bởi việc học ngoại ngữ mang lại giá trị, kiến thức cho bản thân các em chứ không chỉ phục vụ cho một kỳ thi.

Tuy nhiên, chuyên gia này đưa lời khuyên: “Học sinh cần xây dựng kế hoạch cụ thể bù khuyết những thiếu sót kiến thức ở những môn học khác mà thời gian qua xem nhẹ để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới”.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền cũng chia sẻ: "Nhìn ở góc độ chính sách giáo dục, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ khi yêu cầu các địa phương dừng sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển vào lớp 10.

Trong thực tế ở các cấp học hiện nay, việc ưu tiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS cho đánh giá, xếp loại năng lực tiếng Anh của học sinh thay cho chứng chỉ ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dẫn đến sự lệch lạc nhận thức về định hướng dạy Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta".

Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh: NVCC/Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền, thực tế chứng chỉ IETLS quốc tế được thiết kế như một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh dành chung cho các thí sinh đến từ các quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ và mang tính học thuật hơn là ứng dụng cho giao tiếp trong thực tế đời sống hàng ngày.

Bên cạnh đó nó không có một chương trình cụ thể phục vụ cho mục đích giảng dạy và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các cấp độ của người học.

Thay vào đó, những thí sinh muốn đạt được chứng chỉ này chủ yếu tập trung vào ôn luyện các dạng đề theo khung định sẵn. Điều nguy hại nhất khi đề cao chứng chỉ quốc tế này là dẫn đến việc sai lệch mục đích của việc dạy và học tiếng Anh trong bậc học phổ thông.

Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng việc Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên với thí sinh có giải học sinh giỏi, chứng chỉ IELTS và tương đương vào lớp 10 công lập là phù hợp.

Cô Quyên cho hay, khi dừng việc cộng điểm ưu tiên hoặc tuyển thẳng bằng IELTS cũng đồng nghĩa với việc học sinh sẽ tập trung vào việc học để lấy kiến thức chứ không phải chạy theo việc học để lấy bằng cấp, chứng chỉ. Điều này hoàn toàn phù hợp với khoa học và hiệu quả trong giáo dục đào tạo.

Năng lực của con người cần được đánh giá dựa trên khả năng tư duy, chính vì vậy, IELTS không phải là điều kiện duy nhất cần cho sự thành công của một học sinh.

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, IELTS không phải là điều kiện duy nhất cần cho sự thành công của một học sinh.Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tiếng Anh là một phương thức giao tiếp nên không thể sử dụng chứng chỉ IELTS để đánh giá năng lực học sinh hay biến thành một kỹ năng ưu tiên, nhất là khi trí tuệ nhân tạo hiện nay đã trở thành phương tiện hỗ trợ và có thể xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trên toàn cầu.

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, việc tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS sẽ dẫn tới việc học sinh đổ xô đi học IELTS. Bên cạnh đó, điều này cũng vô tình tạo ra sự không công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền hay những học sinh có điều kiện học tập khác nhau.

“Khi học môn tiếng Anh, học sinh sẽ có nhiều con đường khác nhau để phát triển khả năng nói tiếng Anh chứ không nhất thiết phải là IELTS. Chính vì vậy, khi quá tập trung vào IELTS, người học chỉ chạy đua ôn thi lấy chứng chỉ, chứ không vì mục tiêu nâng cao năng lực tiếng Anh, khả năng giao tiếp.

Nhưng nếu mục tiêu học tập chỉ để lấy chứng chỉ IELTS là hoàn toàn sai lầm. Bởi vậy, quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu hết được những nhà giáo dục ủng hộ và cho rằng đây quyết định sáng suốt”, cô Quyên thông tin thêm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền, mục đích căn bản nhất của việc dạy và học tiếng Anh của bậc học phổ thông là phát triển dần các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, giúp các em sau khi hoàn thành bậc phổ thông có thể sử dụng được tiếng Anh như một công cụ giao tiếp quốc tế.

Mà để đạt được mục tiêu này không có chương trình ngoại ngữ nào khác ngoài chương trình ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn .

Việc lạm dụng chứng chỉ quốc tế, sử dụng IELTS làm tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh phổ thông vô tình gây ra bất bình đẳng trong giáo dục và không phù hợp với sứ mệnh của nền giáo dục Việt nam - một nền giáo dục đại chúng và mọi học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực giáo dục.

Việc đề cao chứng chỉ quốc tế này chỉ tạo thuận lợi cho những học sinh gia đình khá giả, ở thành phố có điều kiện để ôn luyện và sẽ không công bằng với những học sinh ở miền núi, vùng xa, điều kiện cuộc sống còn khó khăn.

"Không nên quá đề cao chứng chỉ IELTS, như vậy, chúng ta mới có thể hình thành nên một nền giáo dục có tính hệ thống, đảm bảo sự nhất quán và thống nhất trong toàn bộ các bậc học. Điều này cũng đảm bảo được tính kế thừa, tính thực tiễn, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục dựa trên năng lực và phù hợp với thực trạng phát triển năng lực ngoại ngữ của học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay", Tiến sĩ Hiền nêu quan điểm.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí, nghiên cứu sinh về giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Mở Tp.HCM, cho biết IELTS về bản chất chỉ là kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ với bộ tiêu chí và triết lý riêng, tương tự nhiều kỳ thi khác như TOEIC, hay PTE. Việc dùng IELTS như một tấm "bùa hộ thân" đang trở thành một vấn đề bất cập, làm sai lệch đi bản chất của việc học qua việc đánh tráo khái niệm "năng lực ngôn ngữ" và "tài năng".

"Về mặt kiến thức, những nội dung trong kỳ thi IELTS đa dạng các chủ đề từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Tuy nhiên, những kiến thức này chỉ là công cụ để thông qua đó, người học thể hiện năng lực ngôn ngữ, chứ không phản ánh được thí sinh giỏi các ngành hoặc nhánh ngành liên quan hay không", ông Trí nói với báo Thanh Niên.

Từ đó, ông Trí cho rằng IELTS vốn không phản ánh được năng lực học tập chuyên sâu của thí sinh ở các bộ môn khác. Ngoài ra, trong bối cảnh thời đại số mở, chúng ta nên bình thường hóa việc sử dụng tiếng Anh như một "kỹ năng sinh tồn", tránh "thần thánh hóa" IELTS vì điều này sẽ gây lãng phí không cần thiết khi mọi người chạy theo việc học IELTS với học phí đắt đỏ.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP