Tin địa phương

Không lơ là phòng tránh thiên tai

Những ngày qua, trên địa bàn TP Cần Thơ liên tục xảy ra mưa, lốc xoáy làm sập 14 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 27 căn, ước tổng thiệt hại 712 triệu đồng. Hàng chục nhân khẩu rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, phải tá túc nhờ nhà người quen. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, mặc dù chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố kịp thời ứng cứu, hỗ trợ các gia đình giảm bớt khó khăn, nhưng cơn lốc xoáy đã để lại hậu quả khá nặng nề.

THIỆT HẠI NẶNG NỀ

Những ngày qua, chúng tôi theo chân Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khảo sát tình hình thực tế, thăm và tặng quà cho những gia đình bị thiệt hại trong cơn lốc xoáy sáng 9-8-2018 tại xã Trường Long, huyện Phong Điền. Trước mắt chúng tôi là nhiều căn nhà đổ nát, tốc mái, xiêu vẹo; xung quanh cây cối, bảng hiệu bị đổ ngã, gãy cành. Người dân lui cui thu gom từng tấm lá, mái tôn. Lực lượng cứu hộ của địa phương cũng có mặt, giúp bà con dựng lại nhà mới, chằng kéo lại nhà xiêu vẹo. Theo UBND xã Trường Long, hầu hết những căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo là những căn nhà cấp 4, nhà cây gỗ, mái tôn, vách lá, nền gạch tàu.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (giữa) đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình ông Trần Thanh Triều (xã Trường Long, huyện Phong Điền) bị sập nhà trong cơn lốc xoáy ngày 9-8. Ảnh: HÀ VĂN

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Khi cơn lốc đi qua, chúng tôi đã điều động lực lượng công an, quân sự, dân phòng và nhân dân tại chỗ ứng cứu, hỗ trợ bà con thu dọn nhà bị sập, tốc mái. Lực lượng này đã túc trực 24/24 giờ tại khu vực xảy ra lốc xoáy để bảo vệ an ninh trật tự, sửa chữa nhà, dựng lều ở tạm cho bà con. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ cũng đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục và hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại với tổng số tiền 78 triệu đồng để khắc phục hậu quả”.

Cơn mưa kèm theo lốc xoáy ngày 9-8-2018 tại xã Trường Long đã làm sập 8 căn nhà, 15 căn tốc mái và xiêu vẹo. Chị Nguyễn Thị Kim Cương, ở ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, không cầm được nước mắt, nói: “Lúc cơn lốc tới, cả nhà tôi bàng hoàng, chỉ kịp chạy ra ngoài để không bị thương tích do nhà sập. Chỉ vài phút, căn nhà thành một đống đổ nát. Hiện tôi không còn nhà để ở, nhờ có mấy chú công an, bộ đội tiếp giúp gia đình tôi dựng lại nhà tạm để ở. Tôi rất cảm ơn...”.

Ông Trần Thanh Triều, ngụ cùng địa phương, thuộc diện gia đình khó khăn, cho biết: “Gia đình tôi không có ruộng vườn, chúng tôi chỉ có căn nhà là tài sản duy nhất. Hiện nhà bị sập, tài sản trong nhà cũng bị hư hỏng, không có tiền sửa chữa. Nhờ chính quyền địa phương, huyện và các ngành chức năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống đến thăm hỏi, hỗ trợ chi phí nên gia đình tôi có điều kiện dựng lại căn nhà mới”.

Sau khi cơn lốc xảy ra, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo huyện Phong Điền đã đến thăm hỏi, động viên, an ủi bà con bị thiệt hại trong cơn lốc xoáy tại đây. UBND thành phố đã hỗ trợ mỗi gia đình bị sập nhà, tốc mái, xiêu vẹo 5 triệu đồng, từ nguồn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp. Xã Trường Long cũng tiếp tục vận động nhân dân trong xã đóng góp, hỗ trợ bà con sửa chữa, xây dựng lại nhà, ổn định cuộc sống.

TẬP TRUNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, dự báo vào những ngày đầu và giữa các tháng 9, 10, 11-2018, mực nước trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ lên cao do triều cường và kết hợp lũ đầu nguồn đổ về nên có khả năng vượt báo động III, gây ngập nghẹt đường phố, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, kinh doanh của người dân trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, từ đầu năm đến ngày 9-8-2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 24 đợt lốc xoáy, làm sập 44 căn nhà, tốc mái 178 căn và xiêu vẹo 3 căn; xuất hiện 16 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, chiều dài sạt lở 586,3m... Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 36,5 tỉ đồng.

Tại các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, UBND thành phố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, các sở, ban ngành và các quận, huyện đã thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại đạt kết quả cao, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân. Tính đến ngày 9-8-2018, thành phố đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gần 1 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ từ Quỹ phòng chống thiên tai là 746 triệu đồng, phần còn lại vận động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn, giông gió, lốc xoáy, triều cường... gây ra trong những tháng cuối năm 2018, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp đối phó mưa, lũ và các đợt triều cường dâng cao trên sông Hậu đến các phường, xã, thị trấn; theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, lũ, triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó; chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các công trình thủy lợi trước khi lũ chính vụ đến; tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư, khu vực sản xuất, các cồn trên sông Hậu. Đồng thời, lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống vùng trũng, thấp, ngoài đê bao; tuyên truyền, nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm quản lý con cái, tránh sơ suất dẫn đến hậu quả đáng tiếc; tổ chức đưa rước học sinh tại các vùng ngập sâu; triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các điểm xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết nhằm kiểm soát, hướng dẫn giao thông cũng như tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, mưa, bão nhằm ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra.

Đồng chí Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, nhấn mạnh: “Ban chỉ huy các cấp, các sở ngành chức năng, UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, tránh thiên tai, bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố xảy ra theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Các ngành và địa phương thực hiện các phương án phòng, tránh phải cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả”.

Tác giả: HÀ VĂN

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP