Theo số liệu của Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, toàn tỉnh có 5 KCN đang hoạt động với 33 doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút gần 20 nghìn lao động. Tính đến thời điểm ngày 16-2, 100% doanh nghiệp trong các KCN đã đi vào sản xuất ổn định, không có tình trạng thiếu hụt lao động như nhiều năm trước đây.
Cụ thể tại KCN Cái Lân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Điện tử Vạn Lực Việt Nam do phải phục vụ đơn hàng đã ký từ trước đó nên khai xuân từ ngày 10-2 (mùng 6 Tết). Mặc dù phải đi làm sớm nhưng ngay từ đầu tiên của năm mới, số lượng công nhân đạt 70%, do còn một vài công đoạn sản xuất chưa cần thiết nên lao động vẫn chưa làm việc. Đến ngày 14-2 thì toàn bộ các bộ phận đã đi vào sản xuất ổn định.
Hay như tại Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam, chi nhánh Quảng Ninh tổ chức khai xuân vào ngày 11-2 (mùng 7 Tết), số lao động đến làm việc đạt 96%. Để khích lệ lao động dịp đầu năm mới, công ty thưởng sau Tết cho những người đến làm việc trong 3 ngày đầu tiên với các mức cao nhất là gần 1 triệu đồng.
Còn tại KCN Cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt ngay từ ngày đầu khai xuân, số lao động đến làm việc đạt 98%, công ty đã phát nửa số tiền thưởng Tết còn lại từ 3-5 triệu đồng/người.
Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, kinh tế đã dần hồi phục, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định và có thu nhập. Chủ doanh nghiệp đã chủ động hơn giữ chân lao động với nhiều chính sách đãi ngộ tốt hơn về lương, thưởng, hỗ trợ đưa đón miễn phí lao động ở xa về quê trước và sau Tết. Điều này đã khích lệ người lao động, giúp họ yên tâm, gắn bó với công việc và quay trở lại làm việc ngay những ngày đầu năm mới.
Cũng được xem là một trong nhưng trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, với số lượng công nhân lao động tại Khu kinh tế Hải Phòng đạt 60 nghìn người. Tính đến thời điểm hiện tại, công nhân lao động các khu công nghiệp trên địa bàn trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đạt 99%.
Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng cho biết, tỷ lệ năm nay cao hơn 0,2% so với năm 2018, số ít còn lại chưa đến làm việc vì các lý do sức khỏe, bận việc gia đình, nghỉ phép... Đáng ghi nhận là dịp Tết Nguyên đán vừa qua chưa ghi nhận trường hợp nào bị tai nạn, sự cố, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, việc làm của công nhân lao động trên địa bàn thành phố.
Theo đó, ngay trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới, các doanh nghiệp thuộc Khu Kinh tế, Công đoàn ngành Công Thương đều có tiền mừâng tuổi đầu năm cho công nhân lao động, trong đó đơn vị mừng tuổi cao nhất lên đến 500 nghìn đồng/người.
Cũng theo bà Phạm Thị Hằng, với nhiều chế độ đãi ngộ, chăm lo cho người lao động tốt từ các doanh nghiệp nên những năm gần đây, việc thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán đã không còn là nỗi lo. Bà Hằng cho biết thêm, tại Hải Phòng, tính thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 6,9 triệu đồng/người, bằng 112% so với năm 2017, trong đó khu vực nhà nước khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng, khu vực có vốn đầu tư trong nước khoảng 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Và đến nay đã có 94% doanh nghiệp trên địa bàn đã có phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ tốt hơn, giúp người lao động thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài với công việc. Việc lao động trở lại sau tết được đảm bảo, hứa hẹn một năm sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển của các doanh nghiệp ở các KCN.
Tác giả: V.Huy
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân