Xã hội

Khốn khổ vì ô nhiễm từ trang trại bò sữa của TH True Milk

Sữa TH True Milk từ lâu được nhà sản xuất quảng cáo là sản phẩm sữa tươi sạch ở Việt Nam, thế nhưng đằng sau những lời quảng cáo ấy lại có những sự thật, những câu chuyện không thể vui nổi.

“Ăn cơm phải thả màn”

Nhận được phản ánh của bạn đọc, một ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm đến huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, nơi có trang trại bò sữa TH True Milk. Trên một đoạn đường Hồ Chí Minh, chúng tôi tấp xe vào ven đường, nơi có mấy người đàn ông đang ngồi cùng nhau để hỏi đường đến địa phương có trang trại sữa TH True Milk, một người đàn ông nhìn những người khác rồi vừa cười vừa hỏi: “Các anh là nhà báo à. Cứ chạy đến chỗ nào thấy cái hồ thì rẽ vào là đến. Cái chỗ đó người ta kêu ca suốt, thỉnh thoảng lại thấy nhà báo về”.

Chiếc xe của phóng viên bị xe tải tạt phân.

Đến nơi có cái hồ như người đàn ông chỉ dẫn, chúng tôi rẽ vào, đi được khoảng tầm 2 cây số thì bất chợt thấy phía trước một chiếc xe tải đang chạy đến với tốc độ nhanh. Khi chiếc xe chạy qua chúng tôi, chưa kịp suy nghĩ gì thì xuất hiện một tiếng động và nước bắn tung tóe, khiến chúng tôi hoảng hồn. Khi chiếc xe chạy qua, chúng tôi không thể chạy tiếp nên dừng lại bên đường và phát hiện đó không phải là nước bình thường mà là nước phân, mùi hôi thối bắt đầu bốc lên nồng nặc khắp người.

Không thể chịu thêm, chúng tôi tạt xe vào một nhà dân bên đường, nơi có một người đàn ông đang ngồi nghỉ. Ông cho biết, đây là xóm Cồn Đá, thuộc xã Nghĩa Lâm. Khi chúng tôi kể lại việc bị một chiếc xe tải chạy qua, khiến nước phân tạt lên khắp người thì ông nói: “Chuyện đó ở đây là bình thường các chú ơi. Dân chúng tôi ngày nào mà chẳng bị. Xung quanh đây là trại bò, bây giờ hắn theo mạch nước xuống, chỗ nào thấp thì nọ đọng lại, xe chạy qua, đi ẩu thì nó tạt lên người thôi”.

Một trong những trang trại bò sữa của TH True Milk tại thôn Tân Lâm.

Sau khi rời khỏi nhà người đàn ông trên, chúng tôi tiếp đi đến thôn Tân Lâm và Đông Lâm, nơi “đóng đô” chính của trang trại sữa TH True Miik. Trong khoảng thời gian đó, có rất nhiều chiếc xe tải chạy qua lại với tốc độ lớn, khiến bụi bay mù mịt, người đi sau gần như không thể thấy đường. Và khi những chiếc xe chở phân chạy qua, nước phân rải rác đầy đường, mùi hôi thối cũng bốc lên.

Một người phụ nữ bán tạp hóa bên đường ở thôn Đông Lâm lắc đầu ngao ngán nói với chúng tôi: “Như thế này là chuyện bình thường. Chúng tôi ở đây vào mùa mưa, ăn cơm còn phải thả màn để chống ruồi nữa”.

Ông Lê Văn Châu (thuộc thôn Đông Lâm) chia sẻ: “Ở đây bò thì ở trên người, rồi phía sau là nhà máy xử lý nước thải. Trên đường thì bụi bặm. Xe chạy qua chạy lại chở phân chở tro thối không chịu được. Trước kia đường chúng tôi đi lại thoải mái, lâu lâu mới có xe chở mía đi qua. Nói chung cuộc sống không còn được như xưa”.

Một người đàn ông sống gần đập tràn, nằm giữa thôn Tân Lâm và Đông Lâm cũng tỏ ra tuyệt vọng không kém. Ông bức xúc: “Nhà tôi ở bên đường phải đóng cửa cả ngày, không dám mở vì bụi. Lúc nào muốn ngồi là phải lau ghế trước. Họ nói tưới nước mà chỗ tôi có thấy tưới đâu, bữa nào ra đứng giữa đường thì họ mới tưới cho”.

Đi không được, ở cũng không xong

Theo những người dân thôn Tân Lâm và Đông Lâm, hiện tại TH True Milk không còn chôn bò chết ở đập sông Sào nữa, vì sau khi bị dân tình phản đối gay gắt, tập đoàn này đã làm lò thiêu để thiêu bò chết. Tuy nhiên, vì lò thiêu gần khu dân cư nên mùi mùi hôi, mùi khét vẫn bốc lên. “Lò thiêu nhưng mà gần dân quá, chưa đầy 1 cây số, hướng gió lại về phía dân, độ khét cháy bốc lên. Người dân sống gần rất cơ khổ. Không những vậy, bò mổ ra mấy ngày họ mới đưa đi thiêu. Xe thì xe ben chở đi, chỉ che bạt loa qua rồi chở, nên gây hôi thối dọc đường”, ông Nguyễn Văn Hóa, công an thôn Đông Lâm cho biết.

Chiếc xe tải chạy qua gây bụi mù mịt trên đường.

Ông Hóa cũng như nhiều người dân chúng tôi đã tiếp xúc cho biết, bây giờ nguyện vọng của họ là muốn rời đi khỏi địa phương càng sớm càng tốt. “Vì ở lại cũng không xong. Thứ nhất là vấn đề ô nhiễm, rồi các phương tiện xe cộ chạy qua lại nhiều, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tải. Chạy qua đường làng mà chạy kiểu đó, chúng tôi đề xuất bao nhiêu lần rồi mà không thay đổi”, trưởng công an thôn Đông Lâm bức xúc.

Mặc dù người dân muốn ra đi càng sớm càng tốt, thế nhưng nguyện vọng đó cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Hóa nói thêm: “Việc tái định cư cũng đang mập mờ. Trước ngày chưa về thì nói là sẽ làm tái định cư cho dân. Nhưng mới năm ngoái đây thì lại nói giờ dân muốn đi hay ở”.

Những người dân thôn Đông Lâm, Tân Lâm… cho biết, cuộc sống trước đây của họ khi chưa có TH True Milk về thì rất yên bình, hạnh phúc. Vì họ có đất đai canh tác để tự chủ cuộc sống. Thế nhưng kể từ sau tháng 10/2009, khi Tập đoàn TH True Milk bắt đầu đổ tiền của xây dựng nhà máy chế biến sữa cùng hệ thống trang trại tại đây đã khiến cuộc sống của họ hoàn toàn đảo lộn. Giờ đây, những người nông dân của vùng quê yên ả ngày nào phải sống chung với bụi bẩn, mùi hôi thối và vô vàn những tai họa khác. Họ chỉ muốn chạy trốn nơi đây càng sớm càng tốt.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP