Hành quân dọc theo con đường kéo pháo dài gần 2km là một trong những hoạt động trong chương trình trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sỹ Điện Biên” do trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên tổ chức. Thông qua hoạt động này, những tháng ngày chiến đấu gian khổ của quân và dân ta đã phần nào được tái hiện lại chân thực, đem đến nhiều cảm xúc đối với học sinh.
Hoạt động đã khơi dậy niềm yêu thích lịch sử đối với học sinh |
Em Nguyễn Bùi Khánh Ngọc, lớp 11B1, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Em cảm thấy ấn tượng nhất với hoạt động đi hành quân lên trên tượng đài của anh Tô Vĩnh Diện, vì khi lên đó chúng em được đặt chân lên nơi mà anh đã hy sinh, em cảm thấy rất tự hào. Chúng em còn được trải nghiệm trên con đường mà các chiến sĩ của chúng ta ngày xưa đã kéo pháo, cảm nhận được sự khó khăn gian khổ và sự hy sinh cống hiến hết mình vì độc lập tổ quốc của thế hệ cha ông”.
Tuyên truyền giáo dục lịch sử qua các hoạt động triển lãm |
Từ tháng 10/2023, một sân chơi mới mang chủ đề về lịch sử dành cho đối tượng là học sinh các cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh do Đài Phát thanh Truyền hình Điện Biên tổ chức với tên gọi “Âm vang Điện Biên” đã lên sóng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Những kiến thức lịch sử được làm mới, qua cách thể hiện sáng tạo của các em học sinh đã góp phần thổi hồn cho môn học này.
Nhà giáo Nguyễn Thiện Thuật, nguyên Giáo viên Văn – Sử, ở thành phố Điện Biên Phủ cho hay: “Đổi mới lớn nhất của “Âm vang Điện Biên” chính là thổi cho các em một làn gió mới, để các em yêu mến lịch sử, yêu mến đất nước, yêu mến biển đảo quê hương… Chương trình này thực sự hữu ích”.
|
Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên cho biết: không đơn thuần giống như việc học trên sách vở, những kiến thức có được sau khi tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế đã giúp các em học sinh có cái nhìn gần gũi hơn về lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương với những giá trị từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là mục tiêu mà nhiều nhà trường đang tập trung hướng đến, được hiện thực hoá bằng nhiều hoạt động cụ thể.
“Có thể nói, giáo dục truyền thống yêu nước là một trong những nội dung vô cùng quan trọng. Nhà trường cũng đã chỉ đạo đoàn thanh niên, các tổ chuyên môn tổ chức rất nhiều những hoạt động để góp phần giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ví dụ như tổ chức các buổi ngoại khóa hay các hoạt động trải nghiệm như trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ hay chương trình theo dấu chân người lính”.
Chương trình “Âm vang Điện Biên” lên sóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả |
Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa quan trọng, giúp bồi dưỡng những kiến thức quý báu, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Một nền tảng kiến thức lịch sử vững chắc là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện đại, giúp các em luôn ý thức được việc gìn giữ và trân trọng lịch sử, từ đó trở thành những người xây đắp lên một tương lai dân tộc bền vững.
Tác giả: Vũ Lợi
Nguồn tin: vov.vn