Sĩ quan thuộc đội SWAT có mặt tại hiện trường. Ảnh: AP
Một vụ xả súng kinh hoàng rạng sáng qua xảy ra tại hộp đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida. Nghi phạm được xác định là Omar Mateen, 29 tuổi, sống tại thành phố Fort Pierce, công dân Mỹ có cha mẹ đến từ Afghanistan. Đồng nghiệp cũ miêu tả y có xu hướng cực đoan, phân biệt sắc tộc, giới tính, "luôn miệng nói về chuyện giết người", theo New York Times.
Vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ này đã cướp đi sinh mạng của 50 người, tạo nên một cơn chấn động trên toàn thế giới.
2h02 ngày 12/6, Mateen mang theo một súng trường AR-15, một súng ngắn cùng nhiều băng đạn, lăm lăm tiến vào câu lạc bộ rồi xả súng không ngớt. Có người nghe thấy tới 50 tiếng súng. Người khác thì kể lại rằng "tiếng súng nổ dài bằng cả một bài hát". Trước đó, y dường như đỗ xe và ngồi chờ bên ngoài hộp đêm.
Một người đứng gần hiện trường đã quay lại giây phút 9 sĩ quan cảnh sát dũng cảm bắn chết kẻ tấn công đang hung hãn huơ súng trước mặt họ.
Các chuyên gia ca ngợi mọi hành động của lực lượng cảnh sát đều "nhuần nhuyễn". Họ đã góp công lớn cứu sống nhiều người.
Phát biểu trong một cuộc họp báo vào sáng qua, ông John Mina cảnh sát trưởng Orlando, cho biết trong tương lai họ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành "các biện pháp cứng rắn" như thế.
Mateen nổ súng vào khoảng 2h. Đến 5h, đội Chiến thuật và Vũ khí Đặc biệt (SWAT) quyết định hành động để giải cứu con tin bên trong câu lạc bộ.
9 cảnh sát dùng tới biện pháp nghiệp vụ "cho nổ có kiểm soát" để đánh lạc hướng kẻ xả súng trước khi nã đạn tiêu diệt y, giải cứu 30 người đang trốn ở nhà vệ sinh của hộp đêm.
Một sĩ quan đấu súng với Mateen bị bắn trúng nhưng không phải chịu thương tích quá nghiêm trọng bởi viên đạn găm vào chiếc mũ bảo hộ chuyên dụng. Sở Cảnh sát Orlando đã đăng tải bức ảnh cho thấy dấu vết lỗ đạn trên mũ.
Suốt thời gian diễn ra vụ việc, hàng chục phương tiện, bao gồm cả xe của đội SWAT, liên tục tuần tra, đi lại quanh hiện trường.
Chiếc mũ bị thủng vì dính đạn. Ảnh: Orlando Police
Động cơ
Theo AP, Mateen là một người luyện tập thể hình, làm nghề bảo vệ, ngoan đạo, thường xuyên đến nhà thờ Hồi giáo địa phương, và từng bày tỏ mong muốn trở thành cảnh sát nhưng chưa bao giờ nộp đơn xin gia nhập lực lượng.
Năm 2013, Mateen lăng mạ đồng nghiệp tại công ty bảo vệ G4S và tuyên bố mình có "liên hệ với khủng bố". Các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lấy lời khai nhân chứng, xem video giám sát và kiểm tra hồ sơ của Mateen, nhưng không phát hiện điều gì bất thường. FBI cũng thẩm vấn Mateen song không tìm thấy điểm đáng ngờ.
Một năm sau, FBI tiếp tục thẩm vấn Mateen vì nhận thấy anh ta có liên hệ với Moner Abu Salha, công dân Mỹ từng tham gia một vụ đánh bom tự sát cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, họ cho rằng mối liên quan là rất nhỏ, không tạo thành nguy cơ đe dọa vào thời điểm đó.
Chính vì hồ sơ bị khép lại nên Mateen mới có thể tiếp tục mua vũ khí để theo đuổi kế hoạch của mình.
Hãng tin Amaq của IS tuyên bố vụ tấn công là do một chiến binh của tổ chức thực hiện. Trước khi xả súng, Mateen còn gọi cho số điện thoại khẩn cấp 911, thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, đồng thời nhắc đến kẻ đánh bom giải chạy marathon Boston hồi năm 2013.
Theo Telegraph, dù tuyên bố trên không làm rõ mối quan hệ của nghi phạm với IS, cách viết cho thấy hắn được xem là một "con sói đơn độc" - kẻ tấn công hành động một mình để thể hiện sự ủng hộ IS dù không nhận được hỗ trợ vật chất từ nhóm.
Mir Seddique, cha Mateen, cho biết hành động của con trai ông không bị tác động bởi tư tưởng tôn giáo, nhưng anh ta thật sự đã "vô cùng giận dữ" khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau ở Miami vài tháng trước. Theo ông, đây chính là một phần động cơ khiến Mateen xả súng vào câu lạc bộ đồng tính.
Cảnh sát đấu súng với kẻ tấn công
Tác giả bài viết: Vũ Hoàng