Tin địa phương

Khó như đi mua xăng: 2km 3 cửa hàng đóng cửa

Những ngày gần đây, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ghi nhận tình trạng các cửa hàng xăng dầu hết hàng, gây khó khăn cục bộ cho người dân. Trên quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi An Giang, đoạn đường chưa đến 2 km có 3 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, treo biển hết xăng.

Đi mua buổi sáng phải đợi đến chiều

Ở TP Cần Thơ, ghi nhận của PV Tiền Phong chiều 4/10 trên quốc lộ 91 cho thấy, riêng đoạn qua trung tâm quận Thốt Nốt đi thành phố có đến 3 điểm bán treo biển hết xăng, trong đó có hai cửa hàng xăng dầu (CHXD) của Saigon Petro. Khi có khách đến, nhân viên cây xăng đều lắc đầu.

Tại một CHXD ghi biển Saigon Petro thuộc khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt. Một nhân viên đứng cạnh trụ bơm đưa tay ra hiệu và nói với những khách hàng rằng đã hết xăng, chiều mới có.

Qua trao đổi, nhân viên cửa hàng của Saigon Petro cho biết, giá xăng dầu hiện nay lên xuống thất thường nên việc nhập hàng về rồi bán là không có lời, tiền chiết khấu thấp (khoảng 30-40 đồng/lít) nên việc buôn bán hiện nay chỉ cầm chừng. Hiện công ty đợi điều chỉnh giá, tiền chiết khấu từ đầu mối tính toán lại…

“Giờ buôn bán lỗ quá nên đâu còn vốn. Đây không phải là lần đầu chúng tôi treo biển hết xăng, trước đó cũng rất nhiều lần. Hiện trong bồn hết cả xăng lẫn dầu, công ty buộc phải treo biển để thông báo chứ không phải găm hàng chờ lên giá mới bán. Mình hết hàng tạm thời, sẽ nhập về trong ngày rồi bán lại chứ không phải đóng cửa liên tục trong nhiều ngày. Do hết hàng nên chấp nhận thôi” - nhân viên cửa hàng phân trần.

Một cửa hàng xăng dầu tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ treo biển "hết xăng"

Ông Phùng Trọng Tín (ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) bức xúc: “Đây là tuyến đường trung tâm quận nhưng có nhiều cửa hàng nghỉ bán khiến việc mua xăng dầu của người dân rất khó khăn. Trước đây nhiều cửa hàng hết xăng còn treo biển, chứ bây giờ họ kéo hàng rào ngang không treo bảng thông báo thì người dân làm gì biết hết xăng hay đóng cửa găm hàng… Khi người dân hỏi thì họ đưa ra lý do sửa chữa, nâng cấp. Do đó, cơ quan quản lý chuyên môn cần kiểm tra thực tế”.

Lý do thiếu thuyết phục

Đồng Tháp là địa phương có nhiều CHXD gửi đơn xin tạm ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết, Sở vừa nhận 5 đơn xin tạm ngưng hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu và đang chỉ đạo kiểm tra thực tế tại các đơn vị này. Trước đó, Sở đã cũng nhận 19 đơn của các cửa hàng. Qua kiểm tra, trong 19 đơn vị thì có 7 đơn vị gửi đơn xin nghỉ bán nhưng vẫn bán, 12 đơn vị nghỉ bán vì lý do về vốn.

Theo ông Dũng, nhiều đơn vị nói không phải do nguồn xăng dầu mà do tài chính, trong đơn thì nói nhiều lý do nhưng khi xuống làm việc trực tiếp thì chỉ nghe khó khăn về vốn, vậy nên có những đơn vị lý do không thuyết phục.

“Họ cũng nói do hoa hồng không có, giá cước vận chuyển cao, vấn đề lỗ - lãi… Chúng tôi cũng khó xử, vì theo quy định, muốn ngưng hoạt động phải có lý do chính đáng, mà chính đáng thì hơi rộng. Thí dụ lý do sửa chữa kho, do hoạt động lâu năm nên bồn chứa có độ rò rỉ thì việc xin sửa chữa quá hợp lý. Tuy nhiên, không nhiều đơn vị nêu lý do chính đáng, đa số cứ nói hoa hồng, chiết khấu… nhưng khi khi làm việc thì chỉ nghe khó về vốn liếng…” - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp nói và cho biết đang làm văn bản trình UBND tỉnh ký để gửi Bộ Công Thương, kiến nghị tháo gỡ khó khăn.

Lực lượng chức năng Hậu Giang kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Tại Hậu Giang, đại diện Thanh tra Sở Công Thương tỉnh này cho biết, qua kiểm tra mới phát hiện 3 CHXD treo biển hết hàng.

“Họ nói do đầu mối cung cấp hạn chế, chưa về kịp để bán, chúng tôi đã lập biên bản cho cam kết và nhắc nhở họ sớm lấy hàng để bán, phục vụ người dân, tình hình chung trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu” - vị này nói.

Trao đổi với PV, đại diện một đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Hậu Giang thông tin, hiện nay cửa hàng bán lẻ đang chấp nhận bán lỗ do chiết khấu thấp, trong khi nhiều chi phí phải trả, đồng thời hàng từ đầu mối rót về hạn chế nên không có nhiều để bán.

Đại diện ngành công thương tỉnh Hậu Giang cho hay, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng đầu mối cung cấp thì ở nơi khác, cửa hàng thiếu nguồn nên họ bán cầm chừng và chờ khắc phục…

Tác giả: Cảnh Kỳ - Nhật Huy

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP