Pháp luật

Khổ chồng lên khổ, bán cả gia tài 3 con trâu bị lừa toàn tiền giả

Trường hợp mà chúng tôi nhắc tới là gia đình bà Lương Thị Nhủ, 56 tuổi, trú tại thôn Suối Khan, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Chưa biết tờ tiền 500 ngàn

Tới thôn Suối Khan, hỏi nhà bà Nhủ bị kẻ gian lừa tiền giả, người dân trong thôn chỉ chúng tôi về hướng cuối thôn và không quên dặn: phải leo qua con dốc cao mới đến.

Tới nơi, giữa lúc người phụ nữ khắc khổ này đang cho bầy gia súc trong chuồng ăn. Chẳng kịp rửa tay, bà Nhủ mời chúng tôi vào nhà để tránh cái nắng như thiêu như đốt.

Hình minh họa. (Ảnh: Zing.vn)

Trong căn nhà tường trát đất, lợp ngói cũ kỹ. Thứ đáng giá có lẽ là chiếc tivi cũ mèn và chiếc tủ lạnh cũ vừa hỏng. Nghe nhắc tới số tiền 20 triệu đồng mà gia đình bà bị lừa vào đầu tháng 6 năm 2009, bà Nhủ bật khóc.

Nhìn những giọt nước mắt rơi xuống gò má bị cháy nắng tới đen rạm của bà, chúng tôi cũng hiểu bà phải chịu cay đắng, xót xa thế nào khi phát hiện ra mình bị lừa mất cả một gia tài.

“Ngày 11/6/2009, lúc ấy chỉ có chồng tôi ở nhà, còn tôi ra đồng làm ruộng thì có một người thương lái vào hỏi mua 3 con trâu.

Mấy hôm trước đó, tôi có tính với chồng là bán trâu với ít thóc trong nhà để lấy tiền cho thằng con út nhập học ở trường Trung cấp Sư phạm Thái Nguyên.

Khi trả tiền, họ đưa 20 triệu đồng, toàn tiền mệnh giá 200.000 đồng. Chồng tôi phần đếm qua loa phần thì tin người nên không kiểm tra kỹ”, bà Nhủ vừa nói vừa lau nước mắt.

“Mãi hơn một tuần sau, tôi đem hơn 1 triệu ra chợ huyện để trả nợ tiền thức ăn chăn nuôi gia súc ở đại lý, họ mới bảo tôi là toàn tiền giả, không tiêu được. Lúc nghe thế tôi rụng rời hết chân tay, vừa đi về vừa khóc.

Về tới nhà mở tủ ra kiểm tra thì thấy cả mớ tiền đều là tiền giả”, bà Nhủ tiếp lời. Ngay sau khi phát hiện ra mình bị kẻ gian lừa, bà Nhủ đã mang toàn bộ số tiền giả lên Công an huyện Lục Ngạn giao nộp và báo cáo sự việc. Một tuần sau, đối tượng tàng trữ, sử dụng tiền giả là Lại Văn Minh, trú tại thôn Bắc Mã, xã Bình Dương, thị trấn Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và một đồng phạm khác có vai trò chỉ đường cho Minh đã bị bắt giữ.

Tại cơ quan chức năng, Minh đã khai nhận toàn bộ sự việc. Đối tượng Minh sau đó bị tuyên án 8 năm 6 tháng tù giam, phải trả lại số tiền đã lừa gạt gia đình bà Nhủ là 18,5 triệu đồng; còn đối tượng đồng phạm phải trả số tiền còn lại là 1,5 triệu đồng.

Mòn mỏi chờ đợi quyền lợi

Sau khi nhận được tin báo, các cơ quan chức năng đã bắt được kẻ lừa đảo, gia đình bà Nhủ rất vui mừng, những tưởng có thể nhanh chóng lấy lại được số tiền lớn đã bị kẻ gian lừa mất để nuôi các con ăn học.

Thế nhưng đã… 8 năm trôi qua, gia đình bà Nhủ vẫn chưa nhận được bất cứ một đồng tiền nào. “Chúng tôi đợi mãi, đợi mãi cũng chẳng thấy người ta trả lại tiền. Nghĩ lại mà thấy xót xa quá”, bà nhủ ngậm ngùi. Đã rất nhiều lần gia đình bà đội đơn gửi tới các ban ngành, cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nhận được văn bản trả lời nào.

“Họ cứ bảo đợi. Giờ chúng tôi chỉ còn biết mong báo chí, pháp luật, nhà nước giúp lấy lại công bằng, quyền lợi cho người dân thấp cổ bé họng chứ không biết làm sao nữa”, anh Vi Văn Tuấn, con trai thứ 2 của bà Nhủ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thôn Suối Khan là một trong những thôn nghèo nhất của xã Sơn Hải nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung, vì vậy 20 triệu ngày đó là cả một gia tài của những hộ dân nơi đây, nó có thể thay đổi cuộc đời của nhiều người dân trong thôn. Chưa nói đến việc gia đình bà Nhủ “được” xếp vào danh sách những hộ khó khăn nhất thôn Suối Khan.

Bà Nhủ bộc bạch: “Hồi ấy con trai thứ 2 của tôi đỗ trường sư phạm, vợ chồng tôi vui lắm, định bụng bán cả 3 con trâu cày để lấy tiền nuôi con ăn học, nhưng ai ngờ đâu…”.

“Mất sạch tiền, thương con, phải chạy vạy đủ đường để có tiền gửi cho con ăn học. Năm 2009, vợ chồng tôi có lần túng quá vay nặng lãi 700 nghìn đồng của người cùng thôn. Năm ngoái mới trả được người ta cả gốc lẫn lãi là 4,5 triệu đồng”, bà Nhủ tiếp lời.

Khi phóng viên hỏi bà Nhủ làm gì hàng ngày để có tiền sinh sống và trang trải nợ nần, bà hướng nhìn ra mảnh ruộng trước nhà rồi nói: “Ở đây tới mùa nước nổi, ngập hết nên cấy hái không ra sao.

Hàng ngày tôi vào rừng nhặt củi bán, mỗi bó cũng được 8-10 nghìn đồng, kèm với nhặt nhạnh măng rừng nên cũng chỉ đủ sống qua ngày thôi”. Với hoàn cảnh khó khăn và khoản nợ đang “treo trên đầu” chưa biết ngày nào gia đình bà Nhủ mới có thể trang trải hết. Đến khi nào bà Nhủ mới lấy lại được quyền lợi của chính gia đình mình? Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc.

Tác giả: Ngô Chức - Vũ Lành

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP