Kinh tế

Khách lại tố "bốc hơi" 3 lượng vàng, Eximbank Hà Nội nói gì?

Một khách hàng tố đã bị mất không 3 lượng vàng khi gửi tại Eximbank ở Hà Nội mặc dù vẫn còn giữ sổ.

Một khách hàng tố đã bị mất không 3 lượng vàng khi gửi tại Eximbank ở Hà Nội mặc dù vẫn còn giữ sổ. Ảnh báo Tuổi trẻ

Theo báo Tuổi trẻ, mới đây, bà Bùi Tố Loan cho biết đã gửi hai sổ tiết kiệm vàng tại Eximbank chi nhánh Hà Nội vào tháng 4/2010, trong đó một sổ hơn 10 lượng vàng và 1 sổ 3 lượng vàng.

Hôm 10/12/2013, sổ 10 lượng vàng đã được tất toán còn sổ tiết kiệm còn lại với 3 lượng vàng, bà Loan tiếp tục gửi lại ngân hàng theo hình thức giữ hộ (do thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước không còn cho phép các ngân hàng huy động vàng).

Do sinh sống tại nước ngoài cùng chồng, đến ngày 25/8/2017 bà Loan mới đem giấy chứng nhận gửi vàng đến ngân hàng làm thủ tục nhận 3 lượng vàng.

Tuy nhiên, bà Loan được nhân viên ngân hàng thông báo bà đã tất toán và nhận số vàng này cùng thời điểm khi bà tất toán sổ 10 lượng vàng, dù bà vẫn cầm sổ trong tay và chưa bao giờ báo mất sổ cũng như làm giấy nợ sổ vàng này tại ngân hàng.

Trong các đơn khiếu nại gửi đến Eximbank, bà Loan cho rằng khi bà làm thủ tục tất toán 10 lượng vàng, phía ngân hàng tự động tách thành 3 phiếu chi với tổng cộng 10 lượng. Do có rất nhiều phiếu chi và thu, tạo ra sự rắc rối khó kiểm soát cho bà khi ký nhận. Trong thư trả lời khiếu nại của bà Loan, Eximbank chi nhánh Hà Nội cho rằng việc tách sổ 10 lượng vàng là theo quy định của ngân hàng.

Theo đó, chứng chỉ vàng được tách ra: 50% sổ chứng chỉ vàng được hưởng lãi suất 2,5%/năm và 50% sổ vàng giữ hộ mất phí giữ hộ vàng 0,01%/năm.

Về sổ 3 lượng vàng mà bà Loan gửi, chỉ có lãi suất 0,03%/năm cho năm đầu tiên. Những năm sau không có lãi và mất phí giữ hộ. Nhân viên ngân hàng chưa trả lãi, treo lại để thu phí giữ hộ.

Ngoài ra, lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho rằng bảng kê thu và chi đều có ghi rõ số tiền bằng số và bằng chữ và bà Loan đã đọc, ký và ghi rõ họ tên trên bảng kê.

Eximbank khẳng định cho dù bảng kê do nhân viên ngân hàng làm hộ cho khách nhưng khi bà Loan đã ký tức là bà đã đọc và xác nhận đúng nội dung trên bảng kê. Việc này đủ cơ sở kết luận bà Loan đã nhận đủ tiền, vàng.

Phía lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho biết sở dĩ xảy ra sự việc khách hàng "đã nhận vàng" nhưng vẫn còn giữ sổ gốc là do thời điểm chi vàng, nhân viên ngân hàng đã cho khách nợ sổ mà không đề nghị có chữ ký xác nhận, do bà Loan có quan hệ với cán bộ ngân hàng nên nhân viên đã dễ dãi cho khách nợ sổ rồi... quên không đòi sổ.

Cũng theo vị này, ngân hàng đã gửi Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát yêu cầu giám định các chứng từ liên quan đến giao dịch trên của bà Loan.

Ngày 23/2, Viện Khoa học hình sự đã có thông báo gửi ngân hàng với nội dung rằng chữ ký và chữ viết của khách hàng trên chứng từ giao dịch so với mẫu đăng ký là do cùng một người ký và viết ra.

Trước đó, cũng liên quan đến Eximbank, báo Dân trí đăng tải vụ việc khiến dư luận xôn xao khi bà Chu Thị Bình, gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank bị ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP. HCM lừa đảo 245 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Điều tra bước đầu cho thấy đại gia thủy sản Chu Thị Bình là khách hàng VIP, gửi số tiền tiết kiệm lớn tại chi nhánh Eximbank ở TPHCM. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, sau khi được bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Hưng cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà này để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn. Ông Hưng sau đó giả mạo 1 số giấy tờ và tạo các giấy tờ có chữ ký khống của bà Bình để rút tiền từ các số tiết kiệm của bà.

Từ tháng 2/2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi xuất cảnh ra nước ngoài. Bà Bình nghi ngờ nên đến ngân hàng kiểm tra thì tá hỏa khi phát hiện số tiền hàng trăm tỉ đồng tiết kiệm của mình thất thoát không rõ lý do. Bức xúc, bà Bình đến gặp lãnh đạo Eximbank và gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an.

Tác giả: H. Nam (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: bốc hơi , Ngân hàng Eximbank

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP