Ngày 25-6, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Kha Quốc Khánh (31 tuổi, ngụ TP.HCM), giảm một phần hình phạt cho bị cáo này từ 16 năm xuống còn 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng vụ này, tòa bác kháng cáo của bị cáo Trần Kim Hương (32 tuổi, ngụ TP.HCM), tuyên phạt bị cáo này tám năm tù cùng tội danh trên.
Hai bị cáo Khánh và Hương tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25-6. Ảnh: NN |
Trước đó, bị cáo Hương kháng cáo xin hủy án sơ thẩm vì cho rằng bỏ lọt tội phạm đối với Phạm Thùy Dung. Trường hợp không hủy án thì bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo này cũng cho rằng ở cấp sơ thẩm bị cáo xin xét xử vắng mặt nhưng sau đó bị cáo không nhận được bản án sơ thẩm.
Tòa hỏi bị cáo Hương có xin hoãn xử để cấp sơ thẩm tống đạt bản án theo quy định hay không. Bị cáo nói do mình mới sinh con, điều kiện đi lại không nhiều nên xin tòa vẫn tiếp tục xét xử.
Bị cáo Khánh kháng cáo xin giảm hình phạt vì cho rằng án sơ thẩm quá nặng. Bị cáo này cũng kháng cáo yêu cầu xác định lại vai trò đầu vụ của vụ án, xem xét về trách nhiệm dân sự. Tại tòa, Khánh đổ cho Hương mới là chủ mưu, đầu vụ…
Đại diện VKS tại tòa cho rằng cấp sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội. Khánh có vai trò chỉ đạo, điều hành, còn Hương có vai trò giúp sức hạn chế. Phạm Thùy Dung do vẫn chưa xác định được nơi ở nên cơ quan điều tra để xác định xử lý sau là có cơ sở. Do đó, kháng cáo của các bị cáo không được chấp nhận, đề nghị tòa tuyên y án sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm nhận định kháng cáo của cả hai bị cáo về vai trò của Phạm Thùy Dung là không có cơ sở do bản án sơ thẩm cũng đã có kiến nghị tiếp tục xem xét, xử lý vai trò của Dung trong vụ này. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình phạt đối với các bị cáo. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Khánh cung cấp thêm tình tiết gia đình bị cáo đã khắc phục thêm một phần hậu quả cho bị cáo (250 triệu đồng) nên bị cáo được xem xét giảm một phần hình phạt (một năm tù). Từ đó, tòa tuyên phạt như trên đối với hai bị cáo. Đồng thời, tòa tuyên tiếp tục kiến nghị cơ quan điều tra xác minh xử lý đối với Phạm Thùy Dung và xem xét vai trò của TMT.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Đầu tư hàng hải FII (gọi tắt Công ty FII) đăng ký vốn điều lệ 29 tỉ đồng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại TP.HCM năm 2014 do Trần Kim Hương làm giám đốc, góp vốn điều lệ 60%. Tháng 11-2014, Công ty FII mở chi nhánh tại TP Cần Thơ do Khánh làm giám đốc. Sau đó, Khánh thay Hương làm giám đốc FII. Các thành viên góp vốn như Trần Kim Hương, Phạm Thùy Dung (vợ Khánh), TMT không góp bất kỳ tài sản nào để công ty hoạt động.
Với thủ đoạn chi trả lãi cao, lấy tiền đầu tư của người sau trả cho người trước nên trong thời gian ngắn, Khánh thông qua nhân viên của mình tại chi nhánh Cần Thơ để kêu gọi rất nhiều người đầu tư vào công ty rồi chiếm đoạt tiền của họ. Cụ thể, Khánh chỉ đạo nhân viên mời chào khách góp vốn hưởng lãi suất cố định theo tháng 1,1%-2,25%/tổng vốn đầu tư. Thời hạn đầu tư càng dài, lợi nhuận càng cao…
Để tạo sự tin tưởng của khách hàng, Khánh yêu cầu nhân viên đưa ra các tài liệu như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 29 tỉ đồng, bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa FII với một công ty ở Singapore, cùng hình ảnh, tài liệu về các kho xăng dầu quy mô lớn. Cạnh đó, Khánh còn ký hợp đồng thuê kho chứa dầu với một công ty ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) để khách hàng xem. Ngoài ra, Khánh còn tổ chức hội thảo, tất niên tại những nơi sang trọng, tổ chức trao quà, phát thưởng để mọi người tin tưởng hợp tác.
Cáo trạng quy kết: Trong sáu tháng, Khánh và Hương đã chiếm đoạt của 16 người với tổng số tiền khoảng 5,5 tỉ đồng. Rất nhiều khách hàng là người nhà của các nhân viên công ty này…
Tác giả: NHẪN NAM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM