Vợ chồng sản phụ kể về hành trình vượt lũ dữ đến bệnh viện vượt cạn: Chuyển dạ trong lúc lũ dữ dâng cao tràn về, gia đình phải đưa sản phụ trung chuyển qua nhiều phương tiện từ xe máy, xe tải, ghe sõng đến xuồng máy mất 8 giờ mới đến được bệnh viện sinh con.
Sau hai ngày đẻ rớt con gái giữa dòng lũ chảy xiết, chị Hồ Thị Mỹ Hận (26 tuổi, ngụ xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vẫn chưa thể tin các thành viên của gia đình còn sống sót. "Mẹ tròn, con vuông", cả nhà thoát chết hy hữu trong vụ lật ghe trong lũ hôm ấy, sản phụ xem đứa con đến với gia đình như một phép màu.
Sau hai ngày đẻ rớt con gái giữa dòng lũ chảy xiết, chị Hồ Thị Mỹ Hận (26 tuổi, ngụ xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vẫn chưa thể tin các thành viên của gia đình còn sống sót. "Mẹ tròn, con vuông", cả nhà thoát chết hy hữu trong vụ lật ghe trong lũ hôm ấy, sản phụ xem đứa con đến với gia đình như một phép màu.
Chị Hận bên con gái đẻ rớt trong lũ dữ. Ảnh: H.Thắm.
Chào đời giữa lũ dữ
Theo chị Hận, khi siêu âm, các bác sĩ tiên liệu thai nhi chào đời khoảng 10 ngày nữa nên trưa 16/12 chị vẫn bình thản ngồi trò chuyện vui vẻ với bà con lối xóm. Bất ngờ chị Hận cảm thấy bụng đau quằn quại, có dấu hiệu chuyển dạ. Thời điểm đó, nước lũ dâng cao, tràn về nên bà Hồ Thị Bảy (mẹ ruột chị Hận) cùng chồng, em trai chèo hai chiếc ghe đưa sản phụ đến Trạm y tế sinh con.
Bốn thành viên trong gia đình rời nhà trên hai chiếc ghe, vượt lũ đưa sản phụ đến Trạm y tế xã. Khi gần đến tuyến Tỉnh lộ DT 640 gặp gió to, nước xiết khiến cả hai chiếc ghe bị lật úp, hất văng cả bốn người xuống dòng lũ xiết.
"May mà người dân địa phương vớt mẹ cùng tôi đưa vào bờ. Cơ thể lạnh run lại kiệt sức, nghe con khóc oa..oa bên lề đường mà mình mừng quá đỗi", sản phụ Hận xúc động kể.
Bà Võ Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), ví von chuyện chị Hận sinh con bên Tỉnh lộ DT 640 ngập nước lũ mà "mẹ tròn, con vuông" giống như chuyện cổ tích.
Lực lượng cứu hộ dùng xuồng máy đưa sản phụ Mỹ Huy vượt lũ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng.
Hôm ấy, sau khi tham gia chuyển một sản phụ khác vỡ ối vượt lũ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định sinh đẻ, trên đường về, bà Thắm gặp đám đông vây quanh, căng bạt che mưa sản phụ sinh con trong lũ.
"Lúc này, người dân địa phương đang hô hấp nhân tạo nỗ lực cứu sống bà Bảy (mẹ của Hận). Còn sản phụ lạnh run, chân tay tím tái, miệng cứng đờ, bên cạnh là đứa trẻ sơ sinh còn nguyên khối nhau, dây rốn bên lề đường", bà Thắm thuật lại.
Trước tình thế cấp bách, 12 người dân địa phương đặt sản phụ trên giường xếp khiêng chạy trên đường ngập lũ, trong khi đó bốn người khác căng bạt bốn phía che mưa cho sản phụ. Ngoài ra, còn có hai người dân cầm dù vừa che mưa vừa bế bé gái mới lọt lòng mẹ tìm đường đến địa điểm có xuồng máy.
"Sau vụ lật ghe, quần áo, chăn màn gia đình chị Hận mang theo đều bị nước lũ cuốn trôi. Người dân dọc hai bên đường xã Phước Sơn và Phước Hòa xót thương cảnh ngộ éo le này đã chung tay tặng quần áo, chăn màn giữ ấm cho hai mẹ con sản phụ trên đường đến cơ sở y tế sơ cấp cứu", bà Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Phước Hòa) kể thêm.
Nhận thông tin cấp bách, cơ quan Quân sự huyện Tuy Phước điều động xuồng máy đưa hai mẹ con sản phụ đến Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa để bác sĩ tiếp tục cắt rốn cho bé. Đến chiều 18/12, sức khỏe của mẹ con sản phụ Hận đã dần hồi phục, ổn định.
8 giờ đưa vợ vượt lũ đến bệnh viện vượt cạn
Cùng ngày, lặng nhìn con trai bú sữa ngủ ngon lành, ông Phạm Văn Vương (33 tuổi, ngụ xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) chưa dám tin vợ mình chống chịu cơn đau hoành hành trong 8 giờ vượt lũ dữ đến bệnh viện sinh nở.
Vợ chồng sản phụ Mỹ Huy mừng vui bên con trai vừa chào đời khỏe mạnh. Ảnh: Minh Hoàng.
Theo ông Vương, bác sĩ siêu âm phỏng đoán còn 7 ngày nữa mới sinh nhưng rạng sáng 16/12, vợ đã có dấu hiệu chuyển dạ sinh con. 6 giờ sáng hôm ấy, anh chạy xe máy chở vợ rời nhà vài trăm mét thì lũ tràn về nên đành chuyển sang đi ghe đến Trạm y tế xã Phước Hòa. Sau khi thăm khám, nhóm y, bác sĩ chẩn đoán sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Huy (30 tuổi) có nguy cơ vỡ ối, sinh sớm phải qua phẫu thuật chuyển lên tuyến trên.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương xã Phước Hòa huy động lực lượng thanh niên xung kích kéo ghe đưa sản phụ đến trụ sở UBND xã, sau đó dùng xuồng máy đến cầu Mỹ Cang (xã Phước Sơn). Mưa như trút nước, trắng trời, từ đây sản phụ Huy được đưa lên ngồi cabin xe tải vượt dòng lũ cuồn cuộn ngập sâu đến Cơ quan Quân sự huyện Phước Thuận.
Sau hai lần đi xuồng máy đến thị trấn Tuy Phước và chợ Bồ Đề mới, chị Huy mới được trung chuyển lần cuối lên xe cứu hộ chuyên dụng của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu.
Bé trai con của vợ chồng sản phụ Mỹ Huy ngủ ngon lành ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng.
"Sau 8 giờ vượt lũ với 5 lần trung chuyển qua các loại phương tiện xe máy, ghe sõng, xe tải và xe cứu hộ quân đội, tôi mới có thể đưa vợ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định phẫu thuật sinh con trai. May nhờ cơ quan chức năng tận tình giúp đỡ, vợ con tôi thoát chết giữa mưa lũ trong gang tấc", ông Vương xúc động.
Trải qua ca phẫu thuật, chiều 18/12 dù sức khỏe còn yếu nhưng khuôn mặt sản phụ Mỹ Huy rạng ngời hạnh phúc ấm áp bên chồng, con."May nhờ bà con thương tình, thanh niên địa phương, chiến sĩ bộ đội không quản ngại nguy hiểm kéo ghe, lái xuồng máy đưa tôi vượt dòng nước xiết đến bệnh viện sinh nở. Trải qua thời gian vượt lũ đau đớn quằn quại quá dài, có lúc tôi nghĩ mình không thể chịu đựng được nữa", chị Huy rơm rớm nước mắt.
Trao đổi với Zing.vn, bà Võ Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), thổ lộ hai sản phụ thoát chết hy hữu trong lũ lịch sử đã để lại cho địa phương bài học ý nghĩa lớn lao về tinh thần đoàn kết chung tay, góp sức giúp người vượt qua cơn hoạn nạn.
"Tình người ấm áp đã mang lại sức mạnh phi thường giúp cho hai sản phụ vượt cạn trong lũ dữ mẹ tròn con vuông quả là điều kỳ diệu", bà Thắm bộc bạch.
Tác giả bài viết: Minh Hoàng
Nguồn tin: