Sáng 5/9, tiếp tục phiên họp Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thẩm tra Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu đề nghị việc hợp nhất thành lập Văn phòng chung phải đảm bảo yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả các văn phòng.
Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Các ý kiến đại biểu cho rằng: việc xây dựng Đề án phải đảm bảo chất lượng tham mưu, phục vụ, giảm đầu mối, giảm biên chế, thiết lập bộ máy giúp việc chung đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các cơ quan này.
Các ý kiến tán thành với Phương án tên gọi của Văn phòng chung. Đó là: Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời cho rằng việc quy định Văn phòng chung là cơ quan trực thuộc UBND là hợp lý nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Thái Bình cho rằng: “Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là chính quyền địa phương. Sắp tới có sửa luật cũng không thể đưa đoàn đại biểu Quốc hội vào chính quyền địa phương được. Như vậy, chỉ có phương án 1, hoặc phương án 2, không thể phương án 3 được”.
Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung, các đại biểu đề nghị thành lập các phòng theo đối tượng phục vụ, dự kiến không quá 11 phòng và đơn vị sự nghiệp.
Việc thành lập các phòng phải tạo được sự độc lập tương đối cho Văn phòng trong việc cùng lúc phải tham mưu, phục vụ cho 3 chủ thể là Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, việc sáp nhập như trên mang tính cơ học nên thành lập các phòng theo nội dung, tính chất công việc sẽ tạo được bộ máy Văn phòng tinh gọn, có độ chuyên môn hóa cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, cơ cấu tổ chức bên trong giao toàn quyền cho địa phương quyết định trên cơ sở tiêu chí Trung ương quy định.
“Tiêu chí thì phòng tổ chức bên trong đa ngành, đa lĩnh vực. Khung biên chế tối thiểu phải 7 người. Biên chế theo các kết luận của Đảng, các Nghị quyết Trung ương thì tinh thần từ nay đến năm 2030 là giảm biên chế và giảm thường xuyên. Như vậy sẽ không có tình trạng tăng biên chế khi lập tổ chức”.
Về số lượng Phó Chánh Văn phòng của Văn phòng chung, các đại biểu cho rằng, cần bảo đảm đồng bộ với quy định về số lượng cấp phó của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, theo đó chỉ nên có 3 cán bộ cấp phó. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 4 cấp phó. Đồng thời đề nghị việc thực hiện thí điểm triển khai trong khoảng 1 năm, đảm bảo hoàn thành thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung vào trước năm 2020./.
Tác giả: Lại Hoa
Nguồn tin: Báo VOV