Nền móng dở dang của các căn biệt thự không phép đang khiến bộ mặt bán đảo Sơn Trà nham nhở - Ảnh: Xuân Hoài |
Sơn Trà (Đà Nẵng) không chỉ là vương quốc của “nữ hoàng linh trưởng” Voọc chà vá chân nâu; đây còn là những trầm tích văn hóa, lịch sử, giá trị thiên nhiên mà ít có nơi nào sánh được.
Đi tìm ngôi mộ lính Mỹ đầu tiên
Mấy tháng qua, Sơn Trà “nổi sóng” bắt nguồn từ dự án “Biển Tiên Sa” với những gam màu xám xịt của các khối bê tông, đường dẫn, móng trụ biệt thự “băm nát” màu xanh bán đảo…
Dẫn PV về phía bờ bao, ông Đặng Hòa, chủ DNTN Hoàng Giang (Đà Nẵng, chuyên về du lịch tàu thuyền) trầm buồn: Ít ai biết dự án “đè” lên chính gốc gác của nấm mộ William Cook, một người lính Mỹ đầu tiên du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu biển, từng được Hạm trưởng chiến hạm USS Constitution xin “sổ đỏ” làm nơi gửi thân xác “định cư” từ gần 2 thế kỷ trước.
17 năm trước, ông Hòa là “nhân chứng” trực tiếp chở Dennis M. Óbrien- một cựu Thủy quân lục chiến trong chiến tranh Việt Nam đóng ở Ðà Nẵng trên chiếc thuyền du lịch của mình, tìm về Sơn Trà, tìm gặp ngôi mô của chàng lính Mỹ xấu số.
“Phải về sau này khi thông tin về William Cook được công bố, tôi mới biết mục đích của chuyến đi đầy ý nghĩa này”, ông Hòa nói. Trước mắt ông, giờ chỉ là những mảng màu dự án nham nhở. Bản thân ông Hòa cũng không thể nhớ chính xác vị trí ngôi mộ của William Cook ngoài việc khoanh vùng chu vi khoảng 100m.
Người lính Mỹ xấu số này gia nhập hải quân hơn 1 năm (tháng 3/1844) chơi đàn trên chiến hạm USS Constitution, trong hải trình vòng quanh thế giới. Ngày 10/5/1845, khi ngang qua vùng biển Đà Nẵng, William Cook lâm bệnh kiết lị, qua đời. Hạm trưởng John Percival bẻ lái, đưa chiến hạm vào phía Tiên Sa để xin chôn xác người tử sĩ.
George Thomas - thợ mộc trên USS Constitution ngày đó ghi lại trong nhật ký của ông hiện còn lưu giữ: “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với tất cả những nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thủy thủ Cook. Ðêm xuống, nhiều tàu lớn thả neo chung quanh chiến hạm Constitution nhưng không quá gần, để có thể đổ bộ sang Constitution”.
William Cook ghi tên mình là người lính Mỹ đầu tiên tử nạn tại Việt Nam và chiến hạm Constitution sau 16 ngày ghé lại Đà Nẵng cũng đã bắt đầu cuộc chiến tranh đầu tiên chống lại Việt Nam, ngay trên vùng biển Sơn Trà.
Câu chuyện về William Cook như nằm sâu dưới lớp rong rêu bên triền đá sóng vỗ, ẩn khuất dưới tán rừng Sơn Trà, tưởng chừng chìm vào quá khứ thời gian. Nhưng gần 20 năm trước, Dennis M. Óbrien tình cờ bắt gặp thông tin về chiến hạm Constitution trong biên niên sử sinh động của Tyrone Martin (Old Ironsides, A most Fortunate Ship) và bắt đầu tìm về lại Việt Nam “đào bới” lịch sử.
Ngày 16/4/2000, nỗ lực của Dennis M. Óbrien đã cán đích khi tận mắt tìm thấy ngôi mộ chàng lính Mỹ xấu số William Cook. “Phải mất 2 ngày đến với Sơn Trà, ngày đầu Dennis đi đường bộ, ngày thứ 2 dùng thuyền của tôi rồi lên triền bán đảo mới tìm được ngôi mộ người lính Mỹ.
Nấm mộ nhỏ, như cái am lạnh lẽo”, ông Hòa nhớ lại. Nhà báo Peter Kneisel (Tạp chí Boston Globe), người theo sát hành trình của Dennis M. Óbrien, ghi lại đầy cảm xúc trong phóng sự “The Search For Seaman Cook” (Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook).
“Một ngôi mộ được chôn cất đúng vào nơi đã được ghi nhận. Tấm bia khắc tên Cook được đặt ở một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi một bờ đá thấp”. Ngôi miếu nhỏ có khắc hình chiếc ghe buồm được dân làng gọi là “chùa Mỹ”…
Giá trị phòng thủ Sơn Trà
Theo chân ông Hòa, cách dự án Công ty CP Biển Tiên Sa chừng vài trăm mét, ngay mé đường Yết Kiêu dấu tích đồi hài cốt của các binh sĩ liên quân Pháp -Y Pha Nho tử trận trong cuộc chiến xâm lược phi nghĩa vào Việt Nam vẫn còn hương khói. Các nấm mồ nhỏ, bên cạnh nhà thờ chạm nổi dòng chữ “Ossuaire” (tiếng Pháp nghĩa là Đồi hài cốt).
Suốt 1 năm, 6 tháng 22 ngày (từ 1/9/1858 - 23/3/1860), khoảng 1.500 binh sĩ liên quân bị vùi thây bởi hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng và trực tiếp trên đảo Sơn Trà của quân đội nhà Nguyễn.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho hay: Địa thế Sơn Trà khiến nơi đây in đậm giá trị văn hóa, lịch sử cùng hệ thống phòng thủ đặc biệt. Sơn Trà có ba bộ phận: Phía Đông là Hòn Nghê, phía Tây là hòn Mỏ Diều, phía Bắc là hòn Cổ Ngựa.
Đỉnh Bàn Cờ ở giữa cao nhất với khoảng 700m. Đây là ngọn núi độc đáo vì là bức chắn địa hình để kết hợp cùng núi Hải Vân tạo thành vịnh biển Đà Nẵng.
Xuyên suốt lịch sử triều Nguyễn, việc phòng thủ Đà Nẵng là mối ưu tư hàng đầu được tăng cường đến mức tối đa, hơn bất cứ cửa biển nào của nước ta.
Các vị vua Thiệu Trị, Tự Đức đã cử những chuyên viên hàng đầu về quân sự như: Tham tri Bộ Công Nguyễn Công Trứ (1840), Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Tri Phương, Hữu Đô thống Mai Công Ngôn (1847), Thượng thư Bộ Hộ Tôn Thất Cáp (1857)… vào Đà Nẵng để nghiên cứu, tăng cường hệ thống phòng thủ các cửa biển, Sơn Trà.
Năm 1841, Nguyễn Tri Phương quyết định xây pháo đài Phòng Hải ngay mũi Mỏ Diều dưới chân Sơn Trà, trang bị đại bác bằng đồng, thuốc súng, kho lương và trại lính. Tiếp theo pháo đài Phòng Hải là Trấn dương thất bảo (7 pháo đài giữ cửa biển) do Đô thống Mai Công Ngôn đề nghị xây năm 1847.
Đến năm 1857, đồn Trấn Dương được xây nằm trên đỉnh Sơn Trà nhằm quan sát từ xa việc ra vào cảng Đà Nẵng và ngăn chặn địch đánh chiếm đỉnh cao, uy hiếp hệ thống đồn lũy ở chân núi…
Cũng thuộc hệ thống phòng thủ Sơn Trà, nằm dọc theo bờ Đông sông Hàn là 3 thành An Hải, các đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị. Thành An Hải (nằm ở vị trí An Đồn ngày nay) phối hợp cùng thành Điện Hải ở bờ Tây (khu vực Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay) là hai “cứ điểm phòng thủ” lớn nhất của Đà Nẵng thời đó.
Đến “Ban thờ thiên nhiên”
Giọng ông Hòa trầm lắng: Mấy ngày qua, khi nghe về dự án Biển Tiên sa, một số đoàn khách nước ngoài tìm đến tôi để dẫn ra thăm mộ William Cook. Tôi cũng chở họ đến nhưng chỉ biết chỉ tay về phía khu đất dự án nham nhở. Ngôi mộ giờ chỉ còn trong ký ức.
Trước đó, năm 2007, khi nghe tin Đà Nẵng quy hoạch dự án Tiên Sa, xóa bỏ toàn bộ vết tích ngôi mộ, ông Hòa từng nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng về việc lưu giữ, khôi phục dấu tích lịch sử này. Nhưng chính Đà Nẵng làm cho Wiiliam Cook thêm một lần chìm vào quên lãng.
“Từng giá trị lịch sử, văn hóa, giờ lại đến cả không gian sống thiên nhiên tại đây cũng đang bị đe dọa, can thiệp thô bạo bởi sự quy hoạch, phát triển dự án. Ngẫm mà vừa buồn, vừa lo”, ông Hòa nói. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng: Ngoài “Biển Tiên Sa” còn có gần 20 dự án du lịch được phê duyệt, trong số đó có những dự án đã, đang và sắp triển khai.
Đặc biệt, quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) có đến hơn 1.000ha, chiếm 1/4 trên tổng diện tích 4.000ha bán đảo Sơn Trà sẽ dùng để phát triển du lịch.
Thạc sĩ sinh thái học Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Nước Việt Xanh (Green Việt)- người có hơn chục năm nghiên cứu về hệ sinh thái Sơn Trà cũng tiếc ngẩn: Người ta đang đối đãi gì với một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu của toàn cầu, nơi trú ngụ của 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 380 loài thú thuộc nguồn gien quý hiếm cần bảo tồn.
Đặc biệt, Sơn Trà là vương quốc của loài Voọc chà vá chân nâu với khoảng 300 cá thể chiếm đến hơn một nửa loài “nữ hoàng linh trưởng” này trên toàn cầu.
Cùng viết thư kiến nghị lên Thủ tướng, Tiến sĩ sinh học Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Bảo tồn sinh vật đa dạng thế giới kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Canada -Việt Nam cho rằng, không thể vì phục vụ cho một bộ phận nhỏ nhu cầu nghỉ dưỡng Sơn Trà mà đánh đổi sự bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt “nữ hoàng linh trưởng” trước nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng.
Đây cũng chính là hồn cốt “ban thờ” thiên nhiên sống động đang hiện hữu ở bán đảo Sơn Trà.
Nhà báo Trần Tuấn (Báo Tiền phong) trong bài viết của mình về Sơn Trà cũng từng cảm thán trước góc khuất quy hoạch, sự vùi lấp giá trị lịch sử: Sơn Trà, tôi nghĩ không phải lá phổi, mà là trái tim thành phố. Lại có dáng dấp như một “ban thờ” để hướng ngưỡng tâm linh về nguồn cội thiên nhiên, Đất - Nước, núi sông. Khi con người hiện đại đang xóa đi mọi dấu vết về sự tích chính mình bởi sự tham lam, ích kỷ. |
Tác giả: Ghi chép của Xuân Huy
Nguồn tin: Báo Giao thông