Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh có con em theo học tại trường THPT Trần Ân Chiên (huyện Yên Định, Thanh Hóa) sống trong lo lắng khi nghe tin ngôi trường này phải giải thể và sáp nhập.
Thậm chí, hội cha mẹ học sinh đã tổ chức các cuộc họp bất thường để bàn về vấn đề này.
Theo phản ánh của phụ huynh, huyện Yên Định được chia thành 2 vùng là Yên và Định. Học sinh đi học cũng chia thành 2 vùng trên, với số lượng cơ bản như nhau.
Phụ huynh có con học tại trường THPT Trần Ân Chiêm mở cuộc họp bất thường. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Vùng Định hiện tại có 2 trường là THPT Trần Ân Chiêm và THPT Yên Định 1. Trong khi đó, vùng Yên lại có 3 trường THPT (một trường là THCS&THPT Thống Nhất).
Nếu trường THPT Trần Ân Chiêm bị giải thể, trường THPT Yên Định 1 không thể tiếp nhận thêm học sinh. Nếu muốn tiếp tục được đi học, các em phải di chuyển với khoảng cách từ 10 đến hơn 20 km để đến trường mới.
Một phụ huynh ở xã Định Tiến bày tỏ sự lo lắng nếu trường phải giải thể, con có được học tại trường Yên Định 1 cho gần nhà không, hay phải lên tận Yên Định 2, Yên Định 3.
“Nếu phải đi lên tận Yên Định 2 để học thì khổ cho con tôi quá. Đường xá xa xôi, đi buổi cũng không được mà thuê trọ cũng không xong. Nếu như vậy, nhiều em rất dễ phải bỏ học”, người này nói.
Một phụ huynh bày tỏ lo lắng khi trường THPT Trần Ân Chiêm phải giải thể. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Phụ huynh Nguyễn Văn Hoàng lo ngại các em phải đi học xa, gia đình khó quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Đi quãng đường dài như vậy, gia đình không quản lý hết, các cháu dễ gặp tai nạn rồi sa vào con đường tệ nạn. Nếu chuyển trường đến vị trí thuận lợi, chúng tôi đồng tình nhưng giải thể thì không”, anh Hoàng nói.
Cũng theo phản ánh, thực tế, số lượng tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn huyện Yên Định rất đông, trong đó trường THPT Trần Ân Chiêm có số đăng ký đông nhất.
Trong năm 2018-2019, trường THPT Yên Định 1 thừa 108 học sinh (sau khi lấy thêm 33 em), trường Trần Ân Chiêm thừa 135 học sinh (sau khi lấy thêm 21 em). Tổng 2 trường thừa 243 học sinh, trong khi các trường vùng Yên cũng thừa 185 em. Số học sinh hiện tại giữa các trường đang thừa, trong khi học sinh cấp hai tiếp tục tăng.
Trường THPT Trần Ân Chiêm là một trong 13 trường THPT phải giải thể theo đề án sắp xếp của tỉnh Thanh Hóa . Ảnh: Nguyễn Dương. |
“Nếu trường bị giải thể, không chỉ các cháu đang học bị thiệt thòi, học sinh chuẩn bị vào cấp ba trên địa bàn vùng Định chúng tôi càng thiệt thòi hơn, tỷ lệ các cháu thất học sẽ gia tăng. Điều đó là không công bằng đối với các cháu. Tôi không biết các cháu sẽ xin đi học ở đâu? Đã vậy, năm học vừa rồi, nhà trường vẫn tuyển sinh?”, đại diện phụ huynh bức xúc.
Ông Lê Tiến Độ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Ân Chiêm, cho biết phụ huynh phản ứng gay gắt như vậy là có cơ sở.
"Đó cũng là điều mà chính bản thân tôi, cũng như giáo viên, đang rất băn khoăn", ông Độ nói.
THPT Trần Ân Chiêm là trường công lập trên địa bàn huyện Yên Định, thành lập ngày 10/8/2001. Năm học này, trường có hơn 850 học sinh với hơn 22 lớp.
Theo đề án Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, 13 trường THPT giải thể, sáp nhập. Cụ thể, vào tháng 8 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa quyết định giải thể 5 trường gồm: THPT Tĩnh Gia 5 (huyện Tĩnh Gia), Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), Lê Văn Linh (Thọ Xuân), Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) và THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc). Theo lộ trình, đến giai đoạn 2019-2020, 8 trường THPT giải thể, sáp nhập, trong đó có THPT Trần Ân Chiêm. |
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: zing.vn