Kinh tế

Hơn 100 tấn nghệ 'ế' người mua ở Quảng Nam

Sau hai vụ nghệ bán được giá, năm nay gần 10 ha nghệ của người dân Quảng Nam trong tình trạng chờ giải cứu.

Vụ thu hoạch đã trôi qua hơn một tháng nhưng nhiều nương, vườn trồng nghệ ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bị bỏ không, lá cây úa dần, củ nằm trong lòng đất.

Đứng nhìn vườn nghệ nay cỏ dại mọc tốt đến đầu gối, ông Trương Văn Tâm (thôn Đại Đồng) cho biết, tháng 8/2017, gia đình đầu từ trồng 10 sào nghệ với số vốn gần 30 triệu đồng.

Vườn nghệ của ông Trương Văn Tâm. Ảnh: Đắc Thành.

Theo chu kỳ, sau 11 tháng bước vào vụ thu hoạch, tuy nhiên vườn nghệ của ông Tâm không có người thu mua, cây nghệ bắt đầu héo thân và lá, chỉ còn củ nằm trong lòng đất.

"Giờ đành bỏ mặc vườn nghệ chứ đào lên không có người thu mua thì mất công và củ nghệ sẽ hư hỏng. Tôi đã gọi điện khắp nơi nhưng không thương lái nào đến thu mua, thỉnh thoảng mới có một vài người mua vài kg”, ông Tâm nói và cho hay năng suất 10 sào nghệ của gia đình đạt gần 10 tấn.

Theo ông Tâm, trong hai năm 2016-2017, ông thu hoạch keo tràm và bắt đầu cải tạo đất để trồng nghệ, năng suất cũng đạt mỗi sào khoảng một tấn, bán với giá 11.000 đến 15.000 đồng một kg; trừ chi phí thu lãi hơn 7 triệu đồng một sào. Thấy hiệu quả nên gia đình ông tiếp tục đầu tư trồng loại cây này.

“Không ngờ năm nay nghệ ế, đến nay đã gần hai tháng củ nằm trong đất. Bây giờ chỉ mong bán được phần nào để kiếm tiền bù lỗ, nếu không có người mua thì một tháng nữa đến mùa mưa nước ngập sẽ bị hư hỏng", ông Tâm chia sẻ.

Nhiều củ nghệ để lâu không có người mua đã hư hỏng. Ảnh: Đắc Thành.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Thanh Xuân, thôn Đại Đồng trồng 20 sào nghệ đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Nương nghệ của ông trồng trên một ngọn đồi hiện lá, thân cây chuyển qua màu vàng và bắt đầu lụi tàn.

“Năm trước thấy nhiều hộ trồng nghệ bán được giá nên tôi đầu tư gần 50 triệu đồng để sản xuất. Bây giờ nếu không có người mua, tôi dọn cỏ để chờ cây nghệ mọc lại từ củ và chờ đến sang năm có người mua thì bán”, ông Xuân nói.

Nông dân này cho biết thêm, nương nghệ ông trồng ở vị trí cao, nước không ứ đọng nên để đến sang năm vẫn thu hoạch được, củ nghệ sẽ to hơn. Tuy nhiên, việc để qua một năm như vậy coi như mất một vụ canh tác.

“Giá nghệ từ 6.000 đồng một kg trở xuống thì tôi không bán, bởi thuê người thu hoạch tính ra hòa vốn”, ông Xuân cho hay.

Vườn nghệ của người dân xã Tam Lộc. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Lê Mộng Anh Toàn, cán bộ nông nghiệp xã Tam Lộc cho biết, trên địa bàn có khoảng 25 hộ dân trồng nghệ với diện tích gần 10 ha. Năng suất mỗi ha đạt khoảng 15 tấn, toàn xã có hơn 100 tấn nghệ đến kỳ thu hoạch.

“Cách đây ba năm cây nghệ được trồng ở địa phương. Qua hai vụ, loại củ này bán được giá nên người dân mở rộng diện tích, đến kỳ thu hoạch chờ thương lái đến mua chứ không liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Năm nay có thể do nghệ được trồng nhiều ở Tây Nguyên nên nghệ Quảng Nam bí đầu ra”, ông Toàn thông tin.

Trước việc nghệ ứ đọng, chính quyền xã Tam Lộc đã liên hệ với các doanh nghiệp chế biến bột nghệ để đề nghị hỗ trợ, một số cá nhân kêu gọi giải cứu nhưng chưa có kết quả.

Tác giả: Đắc Thành

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP