Trong nước

Hôm nay, bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 2013

Bắt đầu từ hôm nay (6/5) sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong 30 ngày.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6 để có hiệu lực ngày 1/7/2025. Sau đó, sẽ có khoảng 1,5 tháng để hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cấp xã, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

(Ảnh Media Quốc hội)

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chỉ bàn đến hai nhóm nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời quy định để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Trong Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có nêu nhiều nội dung quan trọng, trong đó có: Giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Đảng ủy Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tính chất nội dung công việc này rất hệ trọng, khối lượng công việc rất lớn, liên quan trách nhiệm của nhiều cơ quan và tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, yêu cầu phải thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, hiệu quả, đòi hỏi quy trình và thủ tục cần chặt chẽ, bảo đảm, chất lượng, trên cơ sở tính đổi mới, tư duy đột phá. Về cơ chế phải bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và ý kiến nhân dân.

Chiều 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Tác giả: Lê Hoàng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP