Giáo dục

Học sinh lớp 6 bị trả về và trò chây ì của các vị đang ngồi nhầm ghế

Cậu bé học lớp 6 nhưng không biết đọc, viết ở TP. Sóc Trăng đã bị trả về trường cũ để học chương trình lớp 1. Còn những người đang ngồi nhầm ghế, đến bao giờ mới chịu trở về đúng vị trí của họ?

Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!

Cũng như bao người khác, tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên về mái trường, thầy cô và bạn bè. Trong đó, người thầy khiến tôi và các bạn học cùng lớp nhớ mãi là một cô giáo dạy Toán ở THCS. Dù cô chỉ dạy duy nhất một học kỳ rồi chuyển công tác nhưng cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn không quên được câu nói "huyền thoại" của cô:

- "Vậy ăn có bao giờ nhầm không?"

Đó là câu hỏi lặp đi lặp lại suốt buổi học nếu hôm đó có bạn mang nhầm sách vở, nhớ nhầm công thức toán học hay đơn giản là gọi "cô" thành "thầy".

Tự hỏi rằng khi phải đối mặt với những sự nhầm lẫn tai hại trong cuộc sống, dù nhỏ bé như con số 0 trong phiếu thu/chi của bộ phận kế toán hay to lớn như tòa nhà 8B Lê Trực, cô giáo tôi có đặt câu hỏi tương tự hay không. Chỉ biết rằng, chuyện nhầm lẫn không vì người ta thường xuyên truy vấn mà biến mất.

Gần đây, câu chuyện bi hài về một trường hợp "ngồi nhầm lớp" xảy ra ở thành phố (vâng, xin nhắc lại là thành phố) Sóc Trăng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh thành tích và hệ lụy đáng buồn từ chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. Người trách nhà trường trọng thành tích, chê giáo viên thiếu tâm huyết; kẻ trách phụ huynh phó mặc cho nhà trường, chê đứa trẻ không chuyên tâm học hành. Tôi thì chỉ biết cảm thán: Ơn giời, sau hơn 5 năm cắp sách đến trường, cuối cùng cậu bé cũng gặp được người thầy… biết chữ?!

Thế nhưng, điều làm không ít người chao đảo và sốc hơn là thái độ thản nhiên của chính những người đang làm việc trong ngành giáo dục khi chia sẻ, bình luận về câu chuyện này. Nhiều thầy cô giáo coi tình trạng học sinh tiểu học “mù chữ” mà không bị lưu ban là chuyện bình thường và khẳng định việc yêu cầu học sinh quay về học chương trình lớp 1 cũng chẳng có gì đáng "xôn xao" nếu cậu bé không biết chữ đã học đến lớp 6 và ngôi trường tiểu học của cậu không đạt chuẩn quốc gia!

Ở trường tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Sóc Trăng), có tới 8 em học lớp 3 mà không biết đọc. Ảnh: Vnexpress.


Nhưng ngẫm mới thấy, thực trạng ngồi nhầm lớp kể trên chẳng “xi-nhê” gì so với những trường hợp cán bộ, lãnh đạo ngồi nhầm chỗ trong hệ thống chính trị. Đơn cử như ông Lê Thành Nhân - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh (Hậu Giang) tuy đã có bằng cao cấp chính trị - hành chính và Đại học Luật nhưng lại vừa bị Sở giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ thu hồi, hủy bỏ bằng... tốt nghiệp THPT.

Không ai ngờ rằng, vị cán bộ từng đảm nhiệm nhiều chức vụ ở UBND, HĐND, Chánh thanh tra thành phố Vị Thanh đã bước vào và thăng tiến trên quan trường nhờ một tấm bằng cấp 2 "mượn của bạn".

Có cán bộ vừa được đề bạt một thời gian ngắn đã bị bắt như ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) và cũng có vị "sếp" tuy dày đặc tai tiếng sau quá trình lãnh đạo một số doanh nghiệp nhưng con đường quan lộ vẫn được trải đầy hoa hồng như ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty PVC.

Chắc chắn, khi gặp lại cô giáo dạy Toán năm xưa, nhất định tôi sẽ vận dụng khối kiến thức về thực phẩm sạch đạt tiêu chuẩn an toàn tích lũy bao năm nay rồi dõng dạc trả lời câu hỏi "cửa miệng" của cô rằng:Và ngoài kia, còn bao nhiêu người đang cố tình ngồi sai chỗ? Đến bao giờ họ mới chịu trả lại chiếc ghế cho người xứng đáng hơn dù người đó không đạt tiêu chuẩn "nhất thân, nhì quen"? Đến bao giờ họ mới biết xấu hổ vì chiếc ghế quá rộng so với năng lực hạn hẹp của bản thân?

- Thưa cô, có ạ!


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả bài viết: Trương Chi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP