Giáo dục

Học phí đại học tăng kịch trần: Áp lực dồn lên vai sinh viên

Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước từ năm 2020 nhưng sau hai năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19, học phí được các trường áp dụng từ năm nay vẫn là một gánh nặng rất lớn đối với sinh viên, nhất là đối với các trường được tự chủ tài chính.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường ĐH tăng từ 30 - 70%. Ví dụ, học phí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so năm 2021. Với 143 tín chỉ trong bốn năm học, trung bình mỗi năm sinh viên cần nộp 15,75-47 triệu đồng. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức từ 41 - 44,3 triệu đồng/năm, so với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần. Học phí của Trường ĐH Luật Hà Nội cũng tăng gấp đôi năm học trước.

Sinh viên, phụ huynh đang phải đối mặt áp lực học phí tăng cao của các trường ĐH. Ảnh: Trọng Tài

Với Nghị định mới của Chính phủ về học phí, các trường ĐH tự chủ được phép thu tối đa gấp từ 2 - 2,5 lần trường chưa tự chủ. Có điều, dù sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phần lớn các trường đều tăng học phí kịch trần.

Tại hội nghị Tự chủ ĐH vừa qua, PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính, ĐH Quốc gia TPHCM, phát biểu học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác nhưng việc gia tăng các nguồn thu phụ thuộc vào quy định pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các trường buộc phải tăng học phí, nhưng việc này cũng có những mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.

Quan niệm sai về tự chủ đẩy gánh nặng học phí cho người học

PGS Thụy dẫn nguồn số liệu Tổng cục Thống kê 2018 - 2020 cho biết, tổng chi cho giáo dục ĐH chỉ chiếm 0,2% GDP năm 2018, năm 2019 giảm còn 0,19%, năm 2020 giảm tiếp, chỉ còn 0,18%. Bộ GD&ĐT nhìn nhận, khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí, nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH, nguyên nhân của vấn đề trên là do cách hiểu sai lầm của nhiều cơ quan có thẩm quyền về vấn đề tự chủ ĐH. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là Nhà nước cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách, chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực giáo dục ĐH mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm.

Tại Hội nghị Tự chủ ĐH vừa qua, đại diện các trường đều cho rằng đừng xem tự chủ là trường ĐH tự lo về tài chính, hệ quả là các trường ĐH chỉ còn cách tăng thu học phí. Theo GS Trần Đức Viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang lấy tiêu chí “tự túc” về kinh phí chi thường xuyên và mức độ “tự lo” về chi đầu tư làm tiêu chí hàng đầu để cho phép một trường ĐH được tự chủ. Vì thế, tự chủ ĐH đồng nghĩa với việc đánh đổi giữa “hy sinh” kinh phí cấp phát để lấy quyền tự quyết về một số lĩnh vực.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, nhận định: “Nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Chưa có một nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình tự túc”.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP