|
Hồ Lac Assal ở Djibouti (một quốc gia Đông Phi) có làn nước xanh ngọc kỳ lạ rất dễ bị nhầm với một bãi biển ở Caribbe. Phần đất bao quanh vùng nước đó thực chất không phải là cát mà là muối. Đi bộ chân trần băng qua các đồng muối kết tinh không phải một trải nghiệm thú vị. Khi tới được rìa nước, cơn gió dữ dội từ hồ sẽ thổi qua và xát những hạt muối lên da thịt bạn. Đặt chân xuống nước cũng không hề mang lại cảm giác thoải mái. Hồ nước ấm và nông, nước nhơn nhớt làm da bạn nhờn như có dầu khi bị phủ một màng muối.
Chính màng muối đó cũng làm mắt người cảm thấy ngứa ngáy, nhất là khi ở dưới ánh mặt trời chói chang. Cảm giác này sẽ làm bạn thức tỉnh và nhận ra không có bãi biển Caribbe nào ở đây cả.
Ở độ cao 155m dưới mực nước biển, Lac Assal nằm ở nơi thấp nhất của châu Phi và thấp thứ ba trên thế giới chỉ sau Biển Chết (-423m) và Biển Galilee (-214m). Hồ chứa đầy nước mặn nhờ có các dòng chảy ngầm tiếp nước từ vịnh Tadjoura, vùng mở rộng của vịnh Aden tới phía đông nam Lac Assal. Không có dòng chảy nào từ hồ ra ngoài nghĩa là nước hồ chỉ nằm tại chỗ, ở miệng núi lửa của Djibouti.
Nhờ tỷ lệ bốc hơi cao, Lac Assal có nồng độ muối trung bình là 34,8%, gấp mười lần độ mặn của nước biển thông thường. Đây là vùng nước mặn thứ hai trên thế giới chỉ sau hồ Don Juan ở Châu Nam Cực với độ mặn 47%. Trong khi đó, Biển Chết có nồng độ muối trung bình là 33,7%.
Được bao bọc bởi các núi lửa ngừng hoạt động, Lac Assal giống như các cảnh quan xung quanh, có diện mạo như ở hành tinh khác. Khi nước bốc hơi, muối và các mỏ khoáng sản liên kết, tạo nên những cột đá lởm chởm và hình thành cảnh quan kỳ lạ.
Dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người Afar và Issa đã sinh sống và làm việc ở đây từ lâu với nghề buôn muối hàng thế kỷ qua. Họ tạo thành các nhóm đào muối từ hồ rồi vận chuyển theo những đoàn lạc đà đi con đường cổ xưa tới Ethiopia để đổi lấy than, cà phê và các nhu yếu phẩm khác. Trước đây, ngà voi và nô lệ cũng được giao dịch để đổi lấy muối ở Lac Assal.
Những đoàn lạc đà và lừa có thể chở tới 120 kg muối mỗi chuyến tới Berhale, Ethiopia trong vòng năm tuần. Ở đó, muối được dỡ xuống và đưa lên xe tải phân phối tới các thành phố lớn của Ethiopia.
Khi Chiến tranh giữa hai nước Eritrea và Ethiopia nổ ra năm 1998, Djibouti thay thế Eritrea làm nguồn cung muối cho Ethiopia. Nhu cầu của người dân Ethiopia ngày một cao hơn. Vì thế, muối khai thác từ Lac Assal dần có giá và được coi như "vàng trắng".
Trước đây, phần lớn muối từ Lac Assal sẽ được đem lên bờ bằng cách thủ công. Tuy nhiên, do nhu cầu cao nên quá trình làm việc cũng hiện đại hơn. Con người đã dùng máy móc lớn để làm muối từ nước hồ. Sản lượng muối ở Lac Assal tăng vọt tới hàng nghìn tấn mỗi năm, xuất khẩu khắp thế giới.
Ngày nay, các phương pháp cổ xưa lẫn hiện đại để khai thác muối vẫn được dùng song song. Khi các đoàn lạc đà vẫn băng qua các vùng đất để đưa muối, thì một con đường dài 115 km nằm ở phía đông hồ nước đã được xây dựng để dẫn thẳng đến thành phố Djibouti, nơi có hàng triệu tấn muối được xuất khẩu mỗi năm.
Dự án Hồ muối Lac Assal được đầu tư bởi một nhà máy Trung Quốc ngày càng thương mại hóa khu vực hồ. Dự án sẽ phát triển khu dự trữ cũng như các điểm vận chuyển muối, nhờ đó "vàng trắng" của Djibouti sẽ được xuất khẩu trực tiếp tại chỗ thay vì phải đưa ra cảng ở thủ đô.
Môi trường khắc nghiệt với hệ động thực vật, nhưng vẫn còn một vài vi sinh vật quý hiếm có thể sống sót trong đó. Cũng giống như Biển Chết, độ mặn cao của Lac Assal cũng có lợi cho sức khỏe. Giàu chất khoáng, magie, canxi, nước hồ có thể dùng làm sạch, hồi phục da cũng như điều trị các bệnh về đau cơ, viêm khớp dạng thấp.
Năm 2015, Djibouti đề cử Lac Assal với UNESCO để được công nhận là di sản thế giới. Cùng lúc đó, các nhà máy, trung tâm du lịch mới được xây dựng, phát triển các khu nghỉ dưỡng tương tự với Biển Chết ở Israel và Jordan.
Giống nhiều nơi khác, công nghiệp khai thác muối phát triển có thể làm người dân ở Lac Assal mất kế sinh nhai. Thay vào đó, họ hy vọng sự phát triển của du lịch sẽ đem lại nhiều cơ hội mới.
Tác giả: Hương Chi
Nguồn tin: Báo VnExpress