Thể thao

HLV Lê Thụy Hải: 'U16 Việt Nam có tiềm năng, U19 cần HLV giỏi'

U16 Việt Nam không thể tạo kỳ tích lọt vào bán kết giải vô địch châu Á, giành vé tham dự World Cup U17 thế giới năm 2017 nhưng HLV Lê Thụy Hải vẫn đánh giá đây là một lứa cầu thủ tiềm năng.


Các cầu thủ U16 để lại sự lạc quan sau VCK châu Á ở Ấn Độ

Ngược lại, vị HLV lão làng này khá hoài nghi về sự phát triển của đội U19 Việt Nam sau màn trình diễn tại giải vô địch Đông Nam Á. Sau đây là những chia sẻ của HLV Lê Thụy Hải.

U16 tạo nên sự lạc quan

Về mặt tinh thần, thái độ thì tôi thấy các em U16 đã thể hiện rõ sự nghiêm túc. Tất nhiên đối thủ U16 Iran tốt hơn đội U16 Việt Nam rất nhiều nên thất bại là điều chúng ta phải chấp nhận. Nhưng theo dõi đội tuyển U16 Việt Nam thi đấu từ vòng đấu bảng cho tới trận tứ kết gặp U16 Iran tôi thấy các em thể hiện tinh thần rất tốt, chấp hành đấu pháp nghiêm chỉnh.

Như trận tứ kết đá với U16 Iran rất quan trọng vì đội nào giành chiến thắng sẽ vào bán kết đồng thời nghiễm nhiên đoạt vé dự World Cup U17 vào năm sau. Vì thế, cả U16 Iran lẫn U16 Việt Nam đều thận trọng.

HLV Lê Thụy Hải theo dõi sát sao sự phát triển của các đội tuyển trẻ như U16 hay U19.Ảnh: V.S.I

Suốt từ vòng đấu bảng đến tứ kết U16 Iran không thua đối thủ nào mà duy trì được thành tích bất bại. Chỉ riêng trận đấu vừa qua thôi cũng đủ cho chúng ta thấy trình độ của U16 Iran cao hơn U16 Việt Nam, dù thời điểm đầu trận đấu, họ chủ động nhường sân cho đội bóng của chúng ta.

Khi U16 Iran nhường sân, U16 Việt Nam phải tổ chức được lối chơi hoặc ít ra cũng phải lui về phòng ngự cho tốt. U16 Iran nhường sân cho mình có nghĩa là người ta ở nhà rất đông nhưng khả năng đột phá của cầu thủ U16 Việt Nam không có, bật tường nhỏ cũng không tốt. Gặp đối thủ mạnh như Iran, U16 Việt Nam chuyền sai quá nhiều. Khi U16 Việt Nam sai số nhiều thì U16 Iran đã phản công nhanh với những đường chuyền chính xác. Như thế, đương nhiên U16 Việt Nam để lộ những lỗ hổng.

Tôi nghĩ không vì trận thua 0-5 trước Iran mà trách cứ các em U16 nhiều quá. Dù thua nhưng toàn đội vẫn chống cự bền bỉ, chơi kiên cường đến tận những phút cuối cùng. Điều duy nhất mà tôi thấy tiếc với đội U16 Việt Nam ở trận đấu vừa qua với U16 Iran là khi thua rồi, đội không có đường gì để gây áp lực. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta phải nhìn nhận chính xác, khả năng của U16 Iran cao hơn U16 Việt Nam rất nhiều. Kỹ, chiến thuật, thể lực, tầm vóc cầu thủ U16 Iran đều nhỉnh hơn U16 Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi thì đội tuyển U16 Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, lứa cầu thủ trẻ này tôi đánh giá có rất nhiều triển vọng. Dù có thể khập khiễng nhưng nếu so sánh tôi thấy đội U16 đã chơi tốt hơn U19 ở những giải đấu vừa qua.

U19 chưa được phát huy hết khả năng

Đội U19 Việt Nam giải đấu nào cũng đặt nhiều kỳ vọng, mục tiêu là đổi màu huy chương nhưng có thấy đổi được đâu? Ở đội U19 Việt Nam có một điểm tôi rất thích là tầm vóc của các cầu thủ rất tốt, kỹ thuật cũng được nhưng khả năng giải quyết vấn đề trong từng tình huống cụ thể còn yếu. Về lối chơi chung thì tôi mạnh dạn dùng từ nhợt nhạt, không có khí thế, đường nét rõ ràng.

Nói đúng ra là U19 Việt Nam chơi bóng không có hồn. Vì thế tôi nghĩ chúng ta phải xem lại tất cả mọi chuyện ở đội U19. Không thể cứ để một HLV mà đội thi đấu cứ kém thuyết phục như thế này mãi.

HLV Hoàng Anh Tuấn chịu áp lực vì những thất bại đậm ở các trận quyết định cùng U19.Ảnh: Thanh Hà

Ở đội U19 không ít cầu thủ từng được chơi bóng tại V.League, người thì thay ra thay vào hay ít nhất cũng có tên trong danh sách dự bị. Như thế chứng tỏ trình độ của các cầu thủ U19 Việt Nam không kém, vậy mà cứ để đội chơi nhợt nhạt như vậy suốt một thời gian dài.

Về “cái hồn”, đội U16 Việt Nam rõ ràng tốt hơn đội U19 rất nhiều. Đội U16 có những trận dù đã thua 0-2 rồi nhưng vẫn kiên trì và lội ngược dòng thành công. Điều đó nói lên tinh thần, thái độ thi đấu, thái độ làm việc của các cầu thủ U16 rất tốt, tôn trọng mọi người. Điều này không có ở đội U19 Việt Nam, vì thế, không ít người, trong đó có tôi đặt ra câu hỏi: Hay các em U19 không thích chơi? Đây là điều khiến tôi ngạc nhiên và nếu chúng ta cứ duy trì mãi như vậy thì phong độ của đội U19 Việt Nam cũng chỉ đến thế thôi, không phát triển hơn được hơn. Vậy trước khi quá muộn thì VFF hãy tiến hành sự thay đổi ở đội U19, thay đổi về con người.

Tôi nhớ đã từng trả lời Thể thao & Văn hóa, nếu điểm qua những HLV có thể làm tốt ở đội U19 thì hầu như không thấy ai cả. Tôi nói thì mang tiếng là chê các đồng nghiệp, không nên như vậy. Nhưng thiết nghĩ, VFF phải chọn HLV nào để cầu thủ ngưỡng mộ, chấp nhận, cái đó quan trọng lắm, đừng xem nhẹ và lấy người đơn giản.

Khác nhau nhưng đều tốt hơn trước

Thực ra mà nói, nếu so sánh thế hệ U16 hay U19 Việt Nam hiện nay so với lứa cầu thủ cùng tuổi một, vài năm về trước thì cách chơi đa dạng hơn. Hai đội bóng này không có lối chơi một chiều giống như đội U19 năm 2013, 2014 với nòng cốt là cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG. Đây là mặt tích cực và tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư cho những lứa cầu thủ tiềm năng như thế này.

Nhưng đầu tư như thế nào? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Tôi lấy một ví dụ đơn giản như thế này. Anh Hiển (bầu Hiển – PV) kết hợp với Manchester City và tôi thấy báo chí có đăng là họ tuyển chọn một loạt cầu thủ trẻ ở Việt Nam của CLB Hà Nội T&T cho đi nước ngoài đào tạo dài hạn. Nhưng họ có đưa cầu thủ trẻ đi Anh đâu mà sang Brazil. Bóng đá Anh không phù hợp với con người cầu thủ Việt Nam nên người ta phải chọn môi trường phù hợp.

Tôi lấy ví dụ và nói xa xôi như vậy là vì HLV được chọn phải làm sao phù hợp với cách chơi của cầu thủ mình. Nếu nhìn về lứa U19, mọi người để ý sẽ thấy những đối thủ của U19 Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á không ít cầu thủ mới 18 tuổi, thậm chí dưới 18. Tức là họ đã có chiến lược đầu tư lâu dài, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để các cầu thủ phấn đấu. Hay như U16, không ít cầu thủ còn chưa đến 15 tuổi. Cách tuyển chọn như thế mới giúp cầu thủ vỡ ra nhiều điều và tìm được những em có năng khiếu và đam mê thật sự. Nếu chúng ta cứ mải chạy theo thành tích mà cuối cùng vẫn không có thì buồn lắm.

Tác giả bài viết: Lâm Chi (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP