HLV Hữu Thắng giơ cao chiếc cúp vô địch đầu tiên cùng ĐT Việt Nam.
Với ai đó, có thể HLV Hữu Thắng chỉ là sự lặp lại những gì mà HLV A.Riedl, Calisto – 2 ông thầy ngoại thành công nhất cùng đội U23, đội tuyển Việt Nam – từng làm trong quá khứ. Đó là những đường chuyền ở cự ly ngắn, phối hợp nhỏ, nhuyễn, đánh vào khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ cánh đối phương. Nhưng với người viết, HLV Hữu Thắng đã biết trình làng những món “đặc sản” rất tuyệt!
Thứ 1, đó là đường chuyền dài phản công “chết người” với minh chứng là tình huống Ngọc Hải chuyền chéo sân chính xác tới từng cen-ti-mét cho Đình Hoàng băng xuống như một “cơn lốc” bên hành lang phải trước khi căng ngang vào cho Văn Toàn nâng tỷ số lên 2-1 (trong chiến thắng 4-1) ở trận ra mắt chính thức đầu đầu tiên tiếp Đài Loan (Trung Quốc) hồi cuối tháng 3 trên sân Mỹ Đình.
Trong trận chung kết AYA Bank Cup, phút 70, Công Vinh cũng có cơ hội nhận đường chuyền dài từ giữa sân của đồng đội, băng xuống đối mặt với thủ môn đối phương. Và chỉ có tài đọc tình huống tuyệt vời của “lão tướng” Baihakki Khaizan và xà ngang mới cứu cho Singapore khỏi bàn thua.
Ở đây, sự “tinh quái” của Hữu Thắng đã được thể hiện rõ. Khi đối phương “say đòn” bóng nhỏ, ta sẽ thắng nhờ những đường bóng dài phản công đầy bất ngờ.
“Đặc sản” thứ 2 được HLV Hữu Thắng dành rất nhiều thời gian luyện đi luyện lại cho các học trò trong đợt tập trung vừa qua chính là “đòn cắt mặt”. Sự chính xác trong những đường xuống biên, tạt bóng của hậu vệ cánh được Hữu Thắng đặt lên ở mức tối đa. Anh luôn dừng lại để nhắc nhở học trò “tạt bóng phải có điểm chứ!” trong những cú tạt bóng.
Đường tạt bóng tốt rồi, điều gì đến sẽ phải đến khi bên trong 1 tiền đạo chạy cắt mặt tốt sẽ khiến hàng thủ đối phương bất ngờ, bị “giật mình”, tạo ra khoảng trống mênh mông cho đồng đội “ẩn” phía sau dứt điểm. Bàn gỡ hòa 1-1 của Công Vinh trong trận thắng Hong Kong (Trung Quốc) sau loạt “đấu súng” ở AYA Bank Cup là một điển hình. Trong trận chung kết với Singapore, nhiều lần những pha bóng kiểu đó cũng khiến hệ thống phòng ngự số đông của phương bị “lố”.
Phân tích như trên xóa đi luận điểm “thử kêu đốt tịt” mà nhiều người đang hướng về HLV Hữu Thắng cùng các học trò. Cũng là “thử kêu” nhưng lối chơi của đội tuyển lúc này phần nào đã được định hình rõ nét, có ý đồ rõ ràng, thắng thuyết phục chứ không phải “ăn may”.
Thử hỏi, với quỹ thời gian khoảng 9 tháng để có thể xây dựng đội tuyển có thể vào chung kết AFF Cup 2016, Hữu Thắng có thể làm gì hơn ngoài việc tận dụng tối đa những nhân tố có sẵn mà mình đã quá hiểu họ, có thể “nắm bắt” được họ? Và quan trọng nhất, những nhân tố ấy đã “đi guốc trong bụng nhau”. Cứ nhìn cách Xuân Trường – Tuấn Anh bọc lót cho nhau uyển chuyển ở giữa sân; Công Vinh – Thành Lương – Văn Quyết hiểu nhau đến từng bước chạy, Văn Toàn, Thanh Trung xông xáo, hòa nhập cực tốt trong lối chơi chung… là thấy những quyết định của Hữu Thắng không thể tốt hơn, tính đến lúc này.
Vậy thì, tại sao lại nói Hữu Thắng “cưỡi lên lưng cọp”? Đáng ra đó phải là cách làm an toàn, “an phận thủ thường”, trái với hình ảnh một “trung vệ thép” ngày nào chứ? Theo cá nhân người viết, nếu muốn an toàn, ngoài đội hình chính đã được “đóng khung”, Hữu Thắng sẽ gọi thêm vài cái tên lạ hoặc mang mác “nhân tố mới” và thêm vài cầu thủ “cơ cấu” vùng miền khác. Như vậy, sẽ chả ai chê trách được anh. Thành công thì quá tốt, thất bại lại lặp lại luận điểm “bóng đá Việt Nam mình chỉ có thế!”
Vậy mà Hữu Thắng đã đi “ngược dòng”, dám “ăn chịu”, tập hợp những cầu thủ mà anh thích nhất, bất chấp việc nhận điều tiếng cục bộ địa phương. Hơn cả, Hữu Thắng cần những cầu thủ dự bị luôn sẵn sàng vào sân với quyết tâm cao nhất, sẵn sàng hòa mình cùng niềm vui của toàn đội, ngay cả khi thất bại hay chiến thắng. Trận gặp Singapore, Thanh Trung chỉ vào sân trong hiệp phụ nhưng đã ghi dấu với bàn ấn định chiến thắng 3-0 sau 1 pha phản công mẫu mực.
Hiểu rõ mình đã “cưỡi lên lưng cọp”, tự đặt mình vào thế không còn đường lùi như vậy, có thể hiểu những xúc cảm, sự hạnh phúc, bồi hồi, nghẹn ngào của Hữu Thắng khi cùng đội tuyển giành Cúp vô địch, dù chỉ là một giải giao hữu. Điều đó giúp HLV Hữu Thắng và các học trò thêm tự tin về con đường mình đã chọn!
Sau tất cả, khi một đội bóng gồm những con người từ đá chính tới dự bị đã nguyện cùng nắm chặt tay, “cháy hết mình” cho khát khao, cho mục tiêu chung vì màu cờ sắc áo, vì niềm vui của người hâm mộ, thì có còn gì phải tiếc (?!).
Tác giả bài viết: Lê Đức