Tin địa phương

"Hiệp sĩ" trên dòng sông Hậu

Hồi đầu cứ cảm giác rợn người khi vớt những thi thể trôi dạt, bốc mùi. Giờ thì chẳng còn cảm giác đó nữa. Họ chỉ muốn mọi thứ phải làm nhanh để người lâm nạn có thêm cơ hội sống

Lắng nghe tiếng huyên náo trong đêm từ cầu Cần Thơ vì biết đâu vừa có một vụ nhảy cầu tự tử. Lắng nghe tiếng tù và báo hiệu trên dòng sông Hậu nước chảy ì oạp. Lắng nghe những cú điện thoại bất ngờ trong đêm khuya khoắt… Lắng nghe để nắm tin tức nhanh nhất nhằm cứu hộ nhanh nhất - đó là mệnh lệnh tối quan trọng đối với các thành viên của đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long).

Đồng lòng cứu người

Tôi đã rất ngạc nhiên trước sự đồng lòng cứu người gần như tuyệt đối của 12 thành viên đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa. Họ đều là những đàn ông đã có gia đình, quá thấu hiểu nỗi mất mát, tổn thương của các gia đình khi có thành viên quyên sinh. Có người là công nhân, bảo vệ; có người làm vườn hoặc chài lưới ngay trên dòng sông Hậu. Trước đây, cứ mỗi tháng một lần, họ tụ họp nghe đội trưởng Dương Công To cập nhật thông tin mới về quản lý an toàn đường thủy. Bây giờ đã quen việc nên 2 tháng họ mới họp một lần.

Anh Nguyễn Thanh Liêm, một thành viên trong đội, nói: "Chúng tôi ai cũng xót xa khi chứng kiến những vụ nhảy cầu tự tử trong gần chục năm qua và muốn góp một phần công sức giúp gia đình các nạn nhân còn nước còn tát".

"Do gia đình của 12 thành viên ngụ tại 2 ấp Mỹ Hưng 1 và Mỹ Hưng 2 cạnh chân cầu Cần Thơ, gần nhà đội trưởng Dương Công To nên hễ nghe tiếng tù và của ông là chúng tôi lập tức có mặt để bàn cách thức đẩy xuồng, cứu người. Nếu không kịp thì sau đó cũng tìm cách nhanh chóng vớt xác để giao cho các gia đình đem về quê nhà mai táng" - ông Bùi Hoàng Trung (62 tuổi, người tham gia đội cứu hộ đầy nghĩa tình này từ đầu) nói rồi chỉ cho tôi hướng bờ Bắc sông Hậu, nơi có nhà ông To cách cầu Cần Thơ chưa đầy 2 km về phía thượng nguồn.

Một thành viên khác là ông Bùi Minh Tâm, nhà cạnh chân cầu Cần Thơ, phía bờ Bắc sông Hậu. Ông Tâm có chiếc ghe tải trọng khoảng 6 tấn, chở hàng từ TP Cần Thơ về thị xã Bình Minh. Ông cũng là người đã trực tiếp tham gia cứu vớt nhiều nạn nhân nhảy cầu Cần Thơ. "Bất kể thời gian nào, cứ nghe tiếng động mạnh trên sông là tôi ra coi thế nào để cứu giúp. Tôi cùng anh em chỉ làm việc nghĩa để tích đức cho con cháu" - ông Tâm nói.

Đội trưởng Dương Công To (bìa trái) động viên thân nhân một người tự tử ở cầu Cần Thơ

Anh Nguyễn Văn Tùng Em (34 tuổi) là người trẻ nhất đội. Gia cảnh khá khó khăn nên anh phải thường xuyên đi làm ăn xa nhà. Nhưng hễ có dịp về nhà là anh lại tìm gặp đồng đội để học hỏi cách cứu người tự tử từ cầu Cần Thơ sao cho nhanh nhất. Tùng Em nói: "Khi nhảy từ khoảng cách trên 40 m từ cầu Cần Thơ xuống, cơ hội sống sót của nạn nhân là rất nhỏ. Dù gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng đứng trước việc nghĩa mà chú Dương Công To đứng ra lo toan, chúng tôi ủng hộ tuyệt đối. Hy vọng đội sẽ được các cấp, ngành ủng hộ để tham gia cứu hộ tốt hơn".

Đội trưởng Dương Công To thì nói: "Vì áp dụng ngay vào thực tế nên anh em ai cũng hồ hởi đi học, học rồi mới cứu nạn, cứu hộ cho tốt chứ! Mỗi người một nghề, mọi thứ dường như khác nhau, chỉ duy nhất trong họ là ngọn lửa rực cháy muốn tình nguyện cứu giúp mọi người". Một số anh em trong đội kể hồi đầu tham gia cứ cảm giác rợn người khi vớt những thi thể trôi dạt, có khi bốc mùi rất khó chịu. Bây giờ thì chẳng còn ai có cảm giác đó nữa. Họ chỉ muốn mọi thứ phải làm nhanh hơn sau từng chuyến cứu người, để những người lâm nạn có thêm cơ hội sống sót.

Tiền xăng dầu chạy ghe cứu người có khi do bà con hỗ trợ, nhưng theo anh em trong đội thì hầu hết do ông To bỏ tiền túi. Để tìm được một thi thể, có khi phải chạy ghe hoặc xe lòng vòng hàng mấy chục km dọc sông Hậu.

Tâm nguyện làm phúc

Đã gần bước sang tuổi 80, là người cao niên nhất trong 12 thành viên của đội nhưng ông Dương Công To vẫn rất rắn rỏi. Vợ chồng ông sống khỏe bằng 2 công bưởi Năm Roi quanh năm trĩu quả. Năm người con đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định. Hễ rảnh rỗi là ông điều khiển chiếc xe máy phân khối lớn, lách qua những cung đường chật hẹp của quê nhà, xách theo chiếc ống nhòm đã cũ ra quan sát cầu Cần Thơ và cả một vùng sông Hậu mênh mang. Ông bảo: "Biết đâu chừng có thể một kiếp người sẽ lại gieo xuống dòng sông Hậu mà nếu may mắn mình có thể cùng anh em cứu vớt được".

Từ độ chiếc ghe của mình chuyên dùng để cứu người phải nằm bờ vì hỏng máy móc cũng là lúc để ông To và toàn đội hiểu thêm về tấm lòng của bà con sống dọc hai bên con sông Hậu đối với việc làm họ. Chỉ cần một cú điện thoại của bảo vệ cầu Cần Thơ hoặc của một người đi câu đêm báo chuyện chẳng lành là dù giông gió đến mức nào ông To cũng phóng đi và rất nhanh chóng mượn được một chiếc ghe để chở những "hiệp sĩ" đi làm việc nghĩa. Nhiều người dân còn xin đi cùng.

Bây giờ thì ông To đã ghi chép hết khoảng 10 cuốn sổ dày cộp, cất giữ trong những túi du lịch. Trong đó, đáng chú ý nhất là cuốn "nhật ký nhảy cầu", ghi chi tiết từng vụ nhảy cầu như tên tuổi, nghề nghiệp của người tự tử, thời gian tự tử... để khi cần thì cung cấp cho cơ quan chức năng. Tôi lật một số cuốn sổ thấy có ghi cẩn thận cách sơ cứu ban đầu, có hình vẽ minh họa đầy đủ về kỹ thuật băng bó, các vết thương hở, hồi sức tim phổi, đuối nước...

Ông To từng suýt mất mạng vì nhảy theo cứu một nữ nạn nhân bất ngờ nhảy xuống dòng nước chảy xiết sau khi được chính ông cứu lên bờ. Dù thế, việc có người được cứu sống chẳng nói một lời cảm ơn mà bỏ đi ngay là thường. Có lúc người thân của họ còn trách đội cứu làm gì, sao không để chết quách đi cho rảnh nợ. Nghe thế, ông To chỉ cười: "Kệ đi, mình tâm nguyện làm phúc. Cứu một mạng người còn hơn xây 7 tháp phù đồ mà".

Vụ nhảy cầu Cần Thơ tự tử khiến ông To trăn trở nhiều nhất là vụ anh Trần Văn Đ. (24 tuổi, ngụ ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Lần nhảy cầu thứ nhất là vào năm 2015, khi anh Đ. vừa nhảy xuống thì có ghe chở gạo chạy qua. Người điều khiển ghe phối hợp đội của ông kịp thời vớt và đưa đi cấp cứu.

Lần sau, anh Đ. thuê xe ôm từ nhà lên cầu Cần Thơ rồi nhảy xuống vào năm 2016. Cảnh sát đường thủy đang ở gần đó chạy đến vớt lên rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cấp cứu thành công. Thế nhưng một thời gian sau, anh Đ. thắt cổ chết ở nhà do buồn việc làm ăn gặp nhiều khó khăn mà vợ ôm con thơ bỏ nhà ra đi.

Ông Trần Văn Ngây, cha của Đ., nói: "Tôi không ngờ Đ. nghĩ quẩn như thế sau 2 lần tự tử không chết. Nỗi đau này khiến thân già tôi biết bao giờ mới nguôi ngoai được. Dù sao thì tôi cũng cảm ơn đội dân phòng và ông To cũng như cảnh sát đường thủy đã 2 lần cứu con tôi. Lần thứ 3 thì có lẽ do số phận định rồi".

Kể từ khi cầu Cần Thơ khánh thành vào năm 2010 đến nay, các thành viên của đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa đã tình nguyện cứu vớt 55 trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử, trong đó cứu sống 10 người.

Cảm phục người đội trưởng

Các thành viên của đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa đều không muốn nói nhiều về những gì đã làm được nhưng trong câu chuyện họ kể, tôi cảm nhận được lòng cảm phục của họ về người đội trưởng. Ông Dương Công To từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2010 vì có nhiều thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự giai đoạn 2005-2009; nhận danh hiệu "Hiệp sĩ Giao thông" do Chương trình Total Hiệp sĩ Giao thông tặng vào năm 2012 và bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải tặng vào năm 2012.

Tác giả: Trần Đình Phượng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

  Từ khóa: lâm nạn , sông Hậu , hiệp sĩ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP