Trong nước

Hiệp định CPTPP sẽ mang đến những cơ hội quý giá

Sáng 5/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội lắng nghe ý kiến thảo luận của các ĐBQH về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Theo đó, trong buổi làm việc sáng nay (5/11), tại hội trường, các ĐBQH cùng thành viên Chính phủ tập trung thảo luận thêm một số nội dung về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP; những việc cần làm khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định CPTPP như kế hoạch, lộ trình, các chính sách đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng của việc thực thi hiệp định; những nội dung cần chú ý sau khi ký CPTPP.

Tham gia thảo luận tại hội trường, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nhất trí với tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, bởi những cơ hội quý giá mà Hiệp định này mang lại.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc tham gia thảo luận tại hội trường (Ảnh: Quochoi.vn).

“Trước hết, tạo cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại trong đó có nhiều nguyên tắc chiến lược quan trọng của nước ta.

Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn ở một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá", ĐBQH Vũ Tiến Lộc nói.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế của Hiệp định này. Các cam kết, tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực buộc phải đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh. Bên cạnh đó, cũng trông đợi những tác động đáng kể về xã hội và phát triển bền vững mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại.

Việc thực hiện những yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa dù đòi hỏi nỗ lực nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động,.. cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa “made in Việt Nam” trong mắt người tiêu dùng toàn thế giới.

"Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là cơ hội nên cũng còn những lo lắng", ĐBQH Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

ĐBQH Bùi Thị Hoa (đoàn Bắc Giang) cũng bày tỏ sự đồng tình với việc phê chuẩn hiệp định CPTPP.

“Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hiệp ước mà chúng ta ký kết và gia nhập. Trong quá trình đó, có nhiều thành công nhưng cũng còn đang là thách thức lớn. Vì vậy, khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP cần tận dụng các cơ hội để phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực”, ĐBQH Bùi Thị Hoa cho hay.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cơ bản thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP (Ảnh: Quochoi.vn).

Qua nghiên cứu hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cơ bản thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định.

“Theo tờ trình của Chính phủ, tham gia vào hiệp định CPTPP sẽ tác động mạnh đến một số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra bước tăng trưởng nhất định với các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa, đồ da… Tuy nhiên, trên thực tế đây là những ngành kinh tế thâm hụt lao động khó có khả năng nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững.

Việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cơ hội việc làm trong các ngành nghề này cần phải được đánh giá một cách khách quan, trên phương diện thách thức phải lớn hơn cơ hội. Vì hiện vẫn còn những thách thức về năng suất lao động, tiền lương…

Đề nghị Chính phủ cần có sự chuẩn bị, đi trước đón đầu để khắc phục những thách thức nêu trên. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm vấn đề lao động và công đoàn…”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.

Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp thu ý kiến thảo luận của các ĐBQH, bên cạnh đó giải trình thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về Hiệp định CPTPP.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP