Thế giới

Hé lộ cách Mỹ dùng chiến đấu cơ F-35 nếu chiến tranh với Trung Quốc

Giới chức không quân Mỹ vừa lần đầu tiên công bố kế hoạch sử dụng các chiến đấu cơ tàng hình như F-35 trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.

Thiếu tướng Jeff Harrigian và Đại tá Max Marosko của không quân Mỹ mới đây đã phác thảo ra chiến lược triển khai máy bay F-35 mà Mỹ định sử dụng trong một tài liệu mới được đăng tải bởi Học viện nghiên cứu hàng không Mitchell vào hôm 30.6. Trước đây, Mỹ từng nói rất nhiều về công nghệ hiện đại trên F-35 nhưng đây là lần đầu tiên có quan chức cấp cao tiết lộ cách Washington sẽ dùng chiếc máy bay này trong trường hợp chiến tranh.

Lầu Năm Góc đặt ra giả thuyết một cuộc chiến sẽ nổ ra vào năm 2026, đối phương cố gắng làm nhiễu tín hiệu radar của các máy bay Mỹ và chỉ có các phi cơ tàng hình như F-22, F-35 hay oanh tạc cơ B-2, B-21 có thể bay an toàn và tấn công mục tiêu.



Mỹ sẽ triển khai máy bay F-35 trải dài ở các sân bay dân sự và quân sự trên Thái Bình Dương thay vì tập trung ở một siêu căn cứ như hiện nay


Không quân Mỹ lúc này sẽ trải dài lực lượng chiến đấu cơ ra các sân bay dân sự và quân sự ở Thái Bình Dương, cách chiến trường khoảng 1.600km, nhằm tránh khỏi tên lửa hành trình hoặc đạn đạo của quân địch có thể phá hủy toàn bộ khí tài trong một đợt tấn công. Hiện nay, Mỹ hay tập trung nhiều máy bay vào một siêu căn cứ trong khu vực.

“Các máy bay như F-35 và F-22 có thể triển khai ở ngay các sân bay dân sự do hệ thống máy tính hiện đại của nó có khả năng tự dẫn đường mà không cần đến các đài kiểm soát không lưu. Những máy bay đời cũ như F-16 và F-15 buộc phải đóng ở các căn cứ nằm xa chiến trường và nằm ngoài tầm với của tên lửa quân địch do không có khả năng lẩn trốn trước radar", ông Harrigan giải thích.

Tài liệu trên không nói rõ Mỹ đặt ra tình huống Trung Quốc trở thành đối thủ của mình nhưng lấy giả thuyết cuộc chiến tranh tương lai diễn ra ở một khu vực trọng yếu trên thế giới và F-35 phải triển khai đến căn cứ ở Úc. Chỉ có Trung Quốc và Nga mới có chiến đấu cơ thế hệ 5 hoặc các hệ thống phòng không đủ mạnh để đối đầu với F-35, nhưng Nga thì lại quá xa với căn cứ quân sự ở Úc nên đây có thể coi là sự ám chỉ vào Trung Quốc nhiều hơn.

Không quân Úc cũng sử dụng F-35 trong tương lai và có thể sửa chữa những chiếc máy bay của Mỹ sau khi chiến đấu. Ngoài ra, chiến lược tương tự cũng có thể được áp dụng nếu có xung đột với Nga.

Theo ông Harrigian và Marosko, để giành thắng lợi trong những cuộc chiến trong tương lai, rất nhiều thay đổi cần phải được thực hiện với các máy bay Mỹ. F-22 và F-35 cần phải được sử dụng nhiều hơn các máy bay thế hệ cũ. Khác với những máy bay hiện nay, chúng sẽ nhận được thông tin về mục tiêu từ các trung tâm chỉ huy qua hệ thống máy tính hiện đại và thiết bị liên lạc khi đang trên đường tới chiến trường. Sự cải thiện trong chất lượng kết nối giữa những máy bay thế hệ cũ và mới cũng là điều nhất thiết phải được thực hiện.

Theo Đại tá Maroko, F-22 và F-35 cần được triển khai nhanh hơn từ các căn cứ ở Mỹ do mục tiêu có thể dịch chuyển quanh chiến trường. Các máy bay thế hệ 5 còn cần nhạy bén trong việc thu thập thông tin và chuyển nó về các trung tâm chỉ huy để chia sẻ cho các chiến đấu cơ khác.

Thiếu tướng Harrigian nhấn mạnh rằng, tài liệu trên là một sự thúc đẩy trong việc thảo luận các biện pháp nhằm kết hợp chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ với các loại máy bay cũ hơn hoặc chiến đấu cơ của đồng minh. Rất nhiều điều vẫn cần phải làm nhằm biến kế hoạch trên thành thực tế.

Tài liệu trên được đưa ra vài đúng thời điểm đội chiến đấu cơ F-35 đầu tiên của không quân Mỹ chuẩn bị được tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh trong thời gian từ tháng 8 đến 12 năm nay. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã làm điều này vào năm ngoái, tuy nhiên, phiên bản F-35 của họ vẫn chưa được sử dụng trong các cuộc không kích chống khủng bố ở Trung Đông và châu Phi.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP