Thế giới

Hé lộ ác mộng đáng sợ nhất của Triều Tiên

THAAD, cơn ác mộng tồi tệ nhất với Triều Tiên là hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới có khả năng săn đuổi và phá huỷ tầm ngắn và tầm trung với tỷ lệ thành công lên đến 100%.

Hôm 8/7, Hàn Quốc thông báo Washington và Seoul đã nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đến từ Triều Tiên.

Đây sẽ là hung tin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và giới chức quân sự nước này bởi THAAD một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tối tân trên thế giới hiện nay với tính di động và hiệu quả hoạt động tối ưu.

THAAD được coi là hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến nhất trên thế giới


"Việc Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt buộc liên minh phải thận trọng và có biện pháp bảo vệ để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi”, Tướng Vincent Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay.

Giới chức quân sự của Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cân nhắc triển khai Thaad vào hồi tháng 2 sau khi Triều Tiên phóng một vật thể bay bị nghi là tên lửa tầm xa vào quỹ đạo.

“Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay”, Đại tá Alan Wiernicki, chỉ huy Lữ đoàn pháo phòng không số 11, nói với tờ Bussiness Insider.

Mặc dù từng ngốn tới 800.000 USD trong ngân sách quốc phòng, nhưng mãi đến tháng 4/2013, người ta mới bắt đầu để mắt tới tấm khiên bảo vệ bầu trời nước Mỹ khi Washington triển khai nó tới đảo Guam để dằn mặt Triều Tiên.

Tấm khiên bảo vệ bầu trời nước Mỹ


Hồi tháng 10/2015, hệ thống phòng thủ tối tân này lại tiếp tục làm tốn không biết bao giấy mực của báo chí thế giới sau khi Washington và Seoul đàm phán về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc nhân chuyến thăm của Tổng thống Park Geun-hye tới Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra quan ngại về động thái này khi cho rằng việc triển khai THAAD sẽ gây bất ổn, đồng thời phá vỡ sự cân bằng chiến lược trong khu vực và có thể làm căng thẳng leo thang dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang.

Mặc dù vậy, theo giới chức quân sự Hàn Quốc, Trung Quốc thực chất đang lo lắng về khả năng Seoul có thể sử dụng THAAD để theo dõi cac hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

"Trung Quốc thừa hiểu THAAD được triển khai ở Hàn Quốc không phải nhằm vào họ. Chỉ là Bắc Kinh không thích đưa vũ khí của Mỹ tới gần họ mà thôi", ông Yoo Dong-ryol, người đứng đầu Viện Dân chủ Tự do Hàn Quốc nhận định.

Cách THAAD tiêu diệt và đánh chặn mục tiêu.


THAAD không mang theo một đầu đạn hạt nhân, thay vào đó nó sử dụng động năng để tiêu diệt tên lửa đối phương theo phương pháp tiếp cận “truy đuổi - tiêu diệt”.

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe phóng với 8 tên lửa được trang bị trên mỗi xe, radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2, một xe trung tâm điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật.

AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km, tức là gấp 5 lần so với phạm vi đánh chặn chỉ khoảng 200 km của nó.

Dù chỉ có kích cỡ bằng một chiếc xe buýt, nhưng dàn radar di động của hệ thống tên lửa đánh chặn này có thể quét sạch một vùng rộng lớn


Kích cỡ của dàn radar di động này chỉ ngang với một chiếc xe buýt, nhưng có thể quét một vùng rộng bằng diện tích của nhiều quốc gia.

Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đang lên kế hoạch sẽ giao thêm 48 dàn THAAD cho quân đội Mỹ, nâng tổng số hệ thống THAAD lên con số 155 trong năm nay.

Tác giả bài viết: Song Hy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP