Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, dự án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ cho 7 lượt doanh nghiệp. Đó là Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đăng ký “Xây dựng và áp dụng hệ thống an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn FSSC 22000”; cơ sở quán Tân Hậu Giang đang đăng ký “Xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm HACCP cho sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát tươi, cá lóc nan tẩm gia vị, khô cá lóc”; Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Gia Đạt đăng ký “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2015”; Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, thành phố Vị Thanh và Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung, huyện Châu Thành A được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận chuẩn VietGAP cho vùng sản xuất khóm và lúa…
Trong đó, hiện 2 nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) là Xí nghiệp đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 từ năm 2001 nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Để kiểm soát hệ thống quản lý môi trường, Casuco áp dụng Tiêu chuẩn ISO 14001 vào năm 2005 đã giúp đơn vị kiểm soát và quản lý chất thải, khí thải tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng dân cư quanh khu vực 2 nhà máy. Cùng với yêu cầu của hội nhập quốc tế, từ năm 2013, Casuco áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo Tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000 nhằm thể hiện trách nhiệm và cam kết với khách hàng, người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn đối với sản phẩm của Casuco. Các hệ thống Tiêu chuẩn quốc tế về kiểm soát năng lượng ISO 5001 và các Tiêu chuẩn tuân thủ trách nhiệm xã hội mà Casuco chuẩn bị áp dụng là thước đo cho giá trị doanh nghiệp trong việc định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế.
Sản phẩm của Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) có chất lượng vượt trội nhờ áp dụng các công cụ nâng cao năng suất và hệ thống quản lý chất lượng. Ảnh bao Haugiang |
Trước đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hậu Giang (TCĐLCL) đã gửi văn bản tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia đến 12 công ty, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Chi cục cũng tiến hành khảo sát tại 6 doanh nghiệp có đăng ký tham gia dự án. Qua đó, đánh giá tình hình năng suất, chất lượng, trình độ quản lý khoa học công nghệ, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp này. Từ đó, chọn ra doanh nghiệp đủ điều kiện để hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng. Sau khi khảo sát, các cơ sở đã được chọn và tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết.
Chi cục TCĐLCL tỉnh Hậu Giang còn phối hợp, lồng ghép tổ chức lớp tập huấn về “Đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008” “Áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008”. Qua đây, có trên 70 lượt cán bộ, công chức của 44 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được nâng cao kiến thức. Đồng thời, Chi cục TCĐLCL còn phối hợp với Văn phòng UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn kiến thức về xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 cho bộ phận một cửa, các phòng chuyên môn và thư ký ISO của các huyện, thị, thành trong tỉnh.
Trong năm 2018, Chi cục TCĐLCL phối hợp tổ chức đào tạo, hướng dẫn xác định các chủ đề cải tiến năng suất, chất lượng áp dụng tại doanh nghiệp, từ đó đánh giá tính hiệu quả trước và sau dự án.
Được biết, nhằm tăng cường hiệu quả của dự án, cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang tiếp tục vận động doanh nghiệp nhỏ lẻ thực hiện để không chỉ tăng cường đổi mới công nghệ, gia tăng số lượng sản phẩm mà còn biết quan tâm hơn về nâng cao chất lượng hàng hóa. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa chủ lực của Hậu Giang so với các tỉnh khu vực phía Nam.
Tác giả: Hồng Anh
Nguồn tin: VietQ.vn