Hôm 29-8, các bộ ngành đã có cuộc họp bàn về hỗ trợ các nhóm đối tượng bị thiệt hại trong sự cố môi trường do Formosa cần được bổ sung vào danh sách được hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sẽ bổ sung người làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm, chủ cơ sở và người lao động trong các cơ sở mua cá có kho đông, kho lạnh, chủ cơ sở nuôi hải sản bị ngừng công việc do sự cố môi trường, chủ tàu và người lao động trên các tàu cá từ 90 CV trở lên vào danh sách được đền bù từ phần bồi thường thiệt hại của Formosa.
Một trong những vấn đề rất được quan tâm và cũng đã tìm được lối ra sau cuộc họp này, theo ông Oai, là 3.900 tấn cá đã được mua tạm trữ thời điểm mới xảy ra sự cố môi trường hiện đang tồn kho.
Ông Oai cho biết Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Y tế lấy mẫu, kiểm tra đánh giá, nếu cá đạt tiêu chuẩn thì giao Bộ Công thương tổ chức cho lưu thông, nếu cá tồn dư các chất độc hại thì giao Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức tiêu hủy.
Đồng thời đền bù cho chủ cơ sở thu mua bằng 70% chi phí mua cá.
“Người nuôi trồng thủy sản có thể nuôi trồng trở lại bình thường. Chủ các tàu thuyền đánh cá cũng có thể đánh bắt trở lại bình thường nhưng khuyến cáo chưa khai thác tại 3 khu vực là hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), cách bờ 1,5km và diện tích khu vực khuyến cáo là 300km2; cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5km và diện tích khu vực khuyến cáo là 360km2; hòn Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế) diện tích khuyến cáo ngừng đánh bắt là 160km2 nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngư dân cũng tạm thời chưa khai thác các nghề lưới kéo, lồng bẫy tại các khu vực cách bờ 2 hải lý trở vào” - ông Oai nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, từ tháng 5 đến nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kiểm tra chất lượng muối 1 tháng/lần về các chỉ tiêu như dư lượng kim loại nặng (chì, cadimi, asen...), cyanua, phenol.
Theo thông tin của ông Oai, đến nay chưa ghi nhận mẫu muối có hàm lượng vượt ngưỡng an toàn.
Tác giả bài viết: Lan Anh