Xã hội

Hành trình lừa đảo của thầy tu "rởm" để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Khoác trên mình những chiếc áo thầy tu, các đối tượng tự xưng mình là người tu hành có khả năng xua đuổi “tà ma”, để lừa tiền của các “khổ chủ”.

Ngày 30/10, tin từ Công an TP Đà Lạt cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng là Nguyễn Văn Dứt (40 tuổi) và Nguyễn Hoài Nam (27 tuổi, cùng quê Tiền Giang) để điều tra hành vi giả danh thầy tu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai đối tượng Nguyễn Văn Dứt (bên phải) và Nguyễn Hoài Nam

Trước đó, Nam đến tiệm cắt tóc của anh Khoa (31 tuổi, phường 8, TP Đà Lạt) xưng là người tu hành ở làng chùa Đại Ninh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) xin tiền công đức.

Trong lúc nói chuyện, thấy vợ anh Khoa là chị K. đang mang thai, Nam đã nói chị này bị “vong” theo rồi yêu cầu anh Khoa đưa 7 triệu đồng để làm mâm cúng gửi “vong” về chùa. Nam đồng ý và đưa thêm cho Nam 2 triệu tiền công.

Sau khi chiếm đoạt được số tiền, Nam kể cho Nguyễn Văn Dứt và một phụ nữ tên Thu (chưa rõ nhân thân) nghe. Thấy việc lừa đảo anh Khoa dễ dàng, Dứt và Thu xin tham gia.

Sau đó, cả nhóm mặc đồ tu hành kéo nhau đến tiệm của anh Khoa. Dứt tự xưng là sư phụ của Nam, tu tại một chùa ở TPHCM, còn Thu xưng là phật tử đi theo.

Quần áo và tay nải tu hành mà các đối tượng sử dụng để đi bán nhang và lừa đảo

Tại nhà tiệm tóc của anh Khoa, Dứt lại cho rằng chị K. bị "vong" theo rất nặng và yêu cầu đưa 28 triệu đồng (theo tuổi âm lịch của chị K.) để tiếp tục cúng đưa "vong" về chùa. Tuy nhiên, lần trước đã cúng 7 triệu đồng nên lần này chỉ cần đưa 21 triệu đồng và anh Khoa đồng ý đưa tiền.

Sau phi vụ đó thấy “dễ ăn”, Nam và Dứt thường xuyên liên lạc với anh Khoa và hỏi thăm việc làm ăn. Khi biết tiệm của anh vắng khách, Dứt đã gọi cho Khoa làm lễ để xin "cụ tổ" cho tài lộc, ăn nên làm ra.

Dứt nói ba mâm cúng có giá khác nhau: Tiểu lộc (79 triệu đồng), trung lộc (99 triệu đồng), đại lộc (199 triệu đồng) và sau khi cúng sẽ trả lại để anh Khoa đầu tư cho công việc thuận lợi. Cảm thấy việc làm ăn của mình không thuận lợi và tiền chỉ để cúng chứ không mất nên anh Khoa đã chọn gói “đại lộc” và hẹn ngày 14/10 đến cúng.

Đến ngày 14/10, Nam và Dứt đến nhà anh Khoa với chiếc tay nải màu vàng, bên trong là một xấp tiền âm phủ được gói trong mảnh vải đỏ.

Đến giờ, Dứt yêu cầu anh Khoa bỏ 199 triệu đồng vào chiếc khăn màu đỏ mà Dứt trải sẵn trên chiếu rồi đậy lại và để lên bàn. Sau đó, Dứt nói vợ chồng anh Khoa quay lưng và lạy 4 phương 8 hướng để làm lễ.

Đối tượng Dứt đang thực hiện lại hành vi lừa gia chủ "cúng tổ" để chiếm đoạt gần 200 triệu

Trong lúc này, Dứt đã đánh tráo cọc tiền thật bằng số tiền âm phủ đã chuẩn bị sẵn. Sau khi cúng xong, Dứt bảo anh Khoa cất vào tủ và dặn 7 ngày sau mới mở ra sử dụng. Ra về, Dứt đã "rút ruột" 120 triệu đồng và nói với đồng bọn chỉ cúng được gói 79 triệu đồng, số tiền này chia đều cho ba người.

7 ngày sau lễ cúng, anh Khoa mở tủ lấy tiền ra sử dụng thì tá hỏa phát hiện ra số tiền của mình chuẩn bị hôm trước đã “biến” thành tiền âm phủ. Biết mình bị lừa, anh Khoa đã trình báo lên cơ quan công an.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội cảnh sát hình sự Công an TP Đà Lạt nhanh chóng vào cuộc xác minh và tìm được các nghi phạm gây ra vụ lừa đảo trên.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dứt và Nguyễn Hoài Nam đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Cọc tiền âm phủ mà các đối tượng đánh tráo để lừa gia đình anh Khoa

Theo Công an TP Đà Lạt, đây là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi của các đối tượng khi giả người tu hành và chọn trúng thời điểm để “đánh” vào tâm lý của các khổ chủ khiến họ cả tin vì mê tín.

Được biết, 2 đối tượng này từ nơi khác đến TP Đà Lạt hành nghề bán nhang, họ mua áo quần, tay nải tu hành để tiện bán nhang và phục vụ cho việc lừa đảo.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP