Pháp luật

Hành trình gần 20 năm truy lùng những sát nhân máu lạnh

Ngăn chặn một vụ hỗn chiến, Thiếu tá Bùi Tiến Tường - Phó trưởng CAP Hùng Vương, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã anh dũng hy sinh. Những kẻ gây án ngày ấy lần lượt bị bắt, nhưng 2 đối tượng chính đã nhanh chân tẩu thoát. Việc truy bắt những kẻ sát hại Thiếu tá Bùi Tiến Tường đã trở thành một món nợ với cán bộ, chiến sĩ công an thành phố Cảng trong gần 20 năm…

Đối tượng Bùi Đắc Thành

Từ “món quà” xin việc

Vụ việc bắt đầu từ năm 2004, khi Trần Văn Thà (SN 1980, trú ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đưa 3 triệu đồng cho ông Đoàn Mạnh Trung (SN 1957, trú ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, là công nhân Xí nghiệp đóng tàu Quỳnh Cư, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) để xin làm công nhân. Ông Trung nhận tiền, nhưng Thà đợi mãi vẫn không thấy mình được gọi đi làm nên cho rằng ông Trung lừa mình và có ý định đòi lại tiền.

Chiều 2-8-2005, Thà rủ đám bạn, trong đó có Nguyễn Văn Hậu ở cùng xã đi taxi đến Xí nghiệp Quỳnh Cư để đòi tiền. Đến nơi, thấy ông Trung đang uống bia với bạn nên cả nhóm vào ngồi cùng. Tại đây, Thà đòi tiền, còn Hậu tát ông Trung. Bị đánh, ông Trung đứng dậy nói đi lấy tiền rồi về xí nghiệp kể chuyện mình vừa bị hành hung cho Vũ Mạnh Thắng là nhân viên bảo vệ. Thắng nói để nhờ Trần Văn Long (tức Long “ái”, SN 1964, trú ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, lúc đó cũng đang ngồi tại quán bia) xử lý. Sau đó, ông Trung và Thắng quay lại quán bia ngồi cùng bàn với Long. Một lúc sau, Trung và Long sang bàn Hậu, Thà. Lời qua tiếng lại, nhóm Hậu - Thà định đánh Long nhưng gã này đã nhanh chân bỏ chạy. Liền đó, Long gọi cho em trai Trần Văn Chung (tức Chung “ôn”, SN 1972, trú ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng).

Trong giới giang hồ đất Cảng đầu những năm 2000, Long “ái” và Chung “ôn” được xét vào hạng “có số má” ở vùng ven sông Cấm thuộc huyện An Hải (cũ). Do đó, Chung đã triệu tập đàn em là Phan Hải Thành (SN 1987, trú ở Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền); Bùi Đắc Thành (SN 1985, trú ở xã An Đồng, huyện An Dương); Nguyễn Văn Công (SN 1971, trú ở xã Quang Trung, huyện An Lão); Nguyễn Thanh Lâm (tức Lâm “dư”, SN 1973, trú phường Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng). Nhóm này sau đó tập hợp thêm hơn 10 đồng bọn khác là thành phần bất hảo ở khu vực đường Đà Nẵng và anh em Long - Chung phân phát dao bầu, giáo, mác, tuýp sắt, gậy để cả bọn đi mai phục nhóm Hậu - Thà.

Vụ án lúc nửa đêm

Khoảng 21h30 ngày 2-8-2005, phát hiện 2 xe taxi chở nhóm Hậu - Thà, nhóm Long - Chung xông đến dùng hung khí tấn công tới tấp. Bị đánh úp, nhóm Hậu - Thà phải chạy thoát thân. Cùng thời điểm đó, Thiếu tá Bùi Tiến Tường - Phó trưởng CAP Hùng Vương, nhận được tin báo về vụ hỗn chiến trên địa bàn đã khẩn trương tới hiện trường. Khi phát hiện nhóm côn đồ, Thiếu tá Tường hô lớn: “Công an đây, tất cả đứng lại!”. Dù đồng bọn nghe thấy vậy đã bỏ chạy, nhưng Chung “ôn” lại hô hào đàn em: “Nó có một mình thôi, chúng mày quay lại đâm đi”. Lập tức, cả nhóm quay lại, trong đó Long “ái” ôm chặt phía sau Thiếu tá Tường để cho Chung “ôn”, Bùi Đắc Thành, Phan Hải Thành dùng các loại hung khí tấn công chiến sĩ công an. Thiếu tá Tường được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã hy sinh do vết thương quá nặng.

Thiếu tá Bùi Tiến Tường ra đi khi 2 con của anh còn rất nhỏ. Lúc ấy, cháu gái lớn 6 tuổi, cháu trai thứ hai chưa đầy 10 tháng tuổi. Gánh nặng nuôi dưỡng con thơ và cha mẹ già dồn lên vai người vợ giáo viên tiểu học. Những ngày ấy, đến thắp hương cho Thiếu tá Tường trong căn nhà chưa đầy 20m2 trong ngõ nhỏ, đồng đội của anh gạt nước mắt hứa quyết tâm truy bắt bằng được những kẻ thủ ác.

Do số người liên quan đến 2 băng nhóm khá đông, trên dưới 30 đối tượng, Ban chuyên án chỉ đạo các đơn vị một mặt khẩn trương truy bắt, mặt khác phối hợp với bà con địa phương vận động gia đình thân nhân đưa người liên quan ra đầu thú. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Long “ái”, Chung “ôn”, Bùi Đắc Thành, Phan Hải Thành là những kẻ trực tiếp gây ra cái chết cho Thiếu tá Tường. Phan Hải Thành bị bắt sau đó, còn 3 đồng phạm bỏ trốn biệt tăm. TAND TP Hải Phòng đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Phan Hải Thành 14 năm tù về tội Giết người, 10 tên khác lĩnh án từ 15 tháng tù đến 4 năm tù về tội Gây rối trật tự công cộng. Còn Đoàn Mạnh Trung lĩnh 12 tháng tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Trần Văn Chung

Cuộc truy lùng đằng đẵng

Mặc dù Công an Hải Phòng đã tổ chức truy tìm anh em Long - Chung và Bùi Đắc Thành, song suốt thời gian dài chưa thu được kết quả. Thượng tá Nguyễn Hồng Nam - Phó trưởng CAQ Dương Kinh nhớ lại, 10 năm sau khi vụ án xảy ra, khi ấy anh là Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm và đã có manh mối về Chung “ôn”. Vào đêm xảy ra vụ việc, Chung được đồng bọn đưa đi trốn tại Hưng Yên, sau đó là Móng Cái (Quảng Ninh) rồi sang Trung Quốc. Ở nước ngoài, Chung đi làm thuê và vẫn liên lạc với gia đình.

Qua rà soát, sàng lọc nhiều thông tin, phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Hồng Nam bước đầu xác định được hành tung của Chung. Ban Giám đốc CATP Hải Phòng cũng chỉ đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm xác lập chuyên án, quyết tâm bắt bằng được Chung “ôn”. Đầu tháng 5-2015, khi kế hoạch và phương án bắt Chung đã xong, Thượng tá Nguyễn Hồng Nam dẫn đầu một tổ công tác đi vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên theo dấu kẻ trốn truy nã. Tại Đắk Lắk, tổ công tác nhận được tin, chiều 18 hoặc 19-5 Chung “ôn” sẽ có mặt ở đây. Khi Chung “ôn” đặt chân đến Đắk Lắk, hắn được đàn em hộ tống đưa về khách sạn trên đường Tú Xương, TP Buôn Mê Thuột. Ngay lập tức, các trinh sát vào vai khách du lịch đến thuê phòng nghỉ sát cạnh phòng Chung “ôn”.

Đúng 11h20, CAP sở tại tổ chức kiểm tra hành chính và mời tất cả khách lưu trú về trụ sở làm việc. Tưởng công an ở vùng Tây Nguyên xa xôi này không biết mình là ai, Chung “ôn” cứ thế diễn kịch. Hắn khai tên Hùng, quê Thái Bình, nhưng sang Trung Quốc lâu và đã mang quốc tịch Trung Quốc, biết rất ít tiếng Việt Nam. Bằng chất giọng lơ lớ, Chung đưa ra hộ chiếu Trung Quốc nhằm chứng minh cho những lời khai của hắn là thật. Cứ để Chung khua môi múa mép, đến 14h30 Thượng tá Nguyễn Hồng Nam cùng tổ công tác mới bước vào. “Chung “ôn” hả, trốn đến 10 năm mới lại thấy mặt” - anh nói. Đòn đấu tranh trực diện này khiến Chung “ôn” tái mặt. Biết rõ cả tên cúng cơm kèm theo cái hỗn danh của hắn đích thị chỉ có Công an Hải Phòng. Biết thân phận đã lộ, Chung đành khai nhận toàn bộ bằng tiếng Việt.

Với hành vi đê hèn của mình khi sát hại Thiếu tá Bùi Tiến Tường, Chung “ôn” sau đó đã bị TAND TP Hải Phòng tuyên phạt bản án cao nhất. Nhưng cuộc tìm kiếm những kẻ liên quan vẫn chưa dừng lại. Bùi Đắc Thành đã mai danh ẩn tích, trốn chui trốn lủi nhiều nơi, thậm chí có tin hắn đã nhiều lần thay tên đổi họ. Ngày 24-8-2022, tung tích của Thành đã bị CATP Hải Phòng tìm ra, kết thúc hành trình 17 năm truy tìm những tên tội phạm năm nào. Ngày 27-3 vừa qua, TAND TP Hải Phòng tuyên phạt Thành mức án chung thân về tội Giết người.

Một cán bộ Ban chuyên án chia sẻ, bắt đối tượng truy nã không hề đơn giản mà là hành trình dài nối từ năm này qua năm khác. Có những đối tượng đã thay tên đổi họ, thậm chí cả hình dáng cũng khác xa so với ảnh nhận dạng. Có vụ, cán bộ thụ lý đến tuổi nghỉ hưu phải bàn giao lại cho đồng đội. Nhưng chính sự quyết tâm, bền bỉ theo đối tượng truy nã đến cùng đã không để đối tượng có nơi lẩn trốn, nhởn nhơ mãi ngoài vòng pháp luật.

Một cán bộ Ban chuyên án chia sẻ, bắt đối tượng truy nã không hề đơn giản mà là hành trình dài nối từ năm này qua năm khác. Có những đối tượng đã thay tên đổi họ, thậm chí cả hình dáng cũng khác xa so với ảnh nhận dạng. Có vụ, cán bộ thụ lý đến tuổi nghỉ hưu phải bàn giao lại cho đồng đội. Nhưng chính sự quyết tâm, bền bỉ theo đối tượng truy nã đến cùng đã không để đối tượng có nơi lẩn trốn, nhởn nhơ mãi ngoài vòng pháp luật.

Tác giả: Trường Văn

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP