Thể thao

Hàng triệu người quay lưng, gọi bầu Đức làm gì?

Sau thất bại của U16 Việt Nam, người ta cho là các cầu thủ chưa được chăm sóc tốt. Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người bảo nếu có Bầu Đức thì mọi chuyện khả năng đã khác...

Trong lịch sử mấy mươi năm qua của bóng đá Việt Nam, chưa có một đội trẻ nào như U19 của lứa Công Phượng, Tuấn Anh… lại tạo được cơn sốt như vậy.

Và cũng chính lứa cầu thủ này đã được người lãnh đạo của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là ông Đoàn Nguyên Đức chăm lo hết mình (nói như báo chí là lo tận răng) từ chuyện có chuyên cơ riêng đưa đón đến việc cử đầu bếp theo lo chuyện cơm ngày mấy bữa.

Đó là việc làm không hiếm trên khắp thế giới bởi các chuyên gia đều biết rằng chỉ khi được đảm bảo về thể lực và tinh thần thì cầu thủ mới thi đấu tốt. Nhưng tại Việt Nam do thiếu thốn về kinh phí nên khó mà "chơi sang" như Bầu Đức từng làm với U19.

Các cầu thủ U19 Việt Nam từng ăn 3 triệu đồng/người/ngày.

Sau lứa U19 đó, có bao nhiêu đội được nhận đãi ngộ như vậy từ ông Đoàn Nguyên Đức? Câu trả lời là không. Vì sao ư ? Bởi những U16 hay U19… sau này không có nòng cốt bởi các cầu thủ đến từ học viện HAGL, mà dù có đi chăng nữa cũng chẳng xuất chúng như lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… ngày nào.

Hóa ra cái sự yêu của ông bầu nổi tiếng hết lòng vì bóng đá Việt Nam cũng có sự phân biệt à? Thật khó dùng một từ cho chính xác trong trường hợp này bởi phân biệt cũng không sai, kể cả có chút toan tính trong đó.

Chẳng ai nghi ngờ gì tình yêu bóng đá của bầu Đức, nhưng đừng quên rằng ông vẫn là một nhà kinh doanh thì phải nghĩ đến nhiều yếu tố khác. Có thể lứa Công Phượng, Tuấn Anh… là lứa học viên đầu nên ông Đức muốn làm cho thật hoành tráng, bài bản, tới nơi tới chốn xem kết quả ra sao.

Một tâm lý háo hức dễ nhận thấy khi đứng trước thành quả đầu tiên của một con người. Hơn nữa, bầu Đức cũng thừa hiểu rằng lứa cầu thủ này tài năng ra sao, đủ sức tạo nên tiếng vang. Nếu đầu tư cho họ và gặt hái thành công thì thương hiệu của ông cũng được lợi không ít.

Sự vắng mặt của bầu Đức tất nhiên còn phải kể tới vấn đề kinh tế tập đoàn HAGL đang khó khăn!

Những điều đó lý giải vì sao sau lứa Công Phượng, Xuân Trường… người ta không còn thấy bầu Đức bỏ tiền bỏ sức ra nhiều như vậy nữa bởi những U16 hay U19 sau này chưa nổi bật như thế hệ đàn anh.

Ngay cả bầu Đức còn hờ hững thì trách sao được khán giả quay lưng khi các cầu thủ trẻ thi đấu. Bởi tình yêu của họ đâu phải 100% xuất phát từ niềm đam mê mà là theo trào lưu, tò mò với những cái tên lôi kéo được dư luận, báo giới.

Đó là thực trạng đáng buồn của bóng đá Việt Nam, nó khác khá nhiều với tình yêu bóng đá vô tư hơn nhiều của châu Âu hay Nam Mỹ, thậm chí ở các nền bóng đá phát triển khác.

Đã là tình yêu thì có nên phân biệt bóng đá nam hay nữ, tuyển QG hay giải trẻ, cầu thủ đó nổi tiếng hay không?

Chúng ta cứ hô hào cải cách để đưa nền bóng đá nước nhà đi lên nhưng bản thân chúng ta còn không tin tưởng và đặt tình yêu một cách đồng đều để rồi đầu tư chỗ dư thừa, chỗ thiếu thì lấy gì mà phát triển?

Tình yêu phải xuất phát từ trái tim chứ không phải tạo thành từ cái nhìn. Có lẽ khi mà khán giả Việt Nam và những người làm bóng đá "vô tư" hơn thì bóng đá nước nhà mới hy vọng tìm thấy một lối ra.

Tác giả bài viết: Cát Tường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP