“Đưa thức ăn bẩn vào trường học là một tội ác”, “Một cuộc xét nghiệm sán lớn nhất từ trước đến nay”, “Tôi mất niềm tin vì đến thức ăn bẩn hại các cháu, họ còn dám làm”, “Học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Phụ huynh bức xúc yêu cầu khởi tố”… Đó là những hàng tít đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo trong suốt tuần qua sau khi hàng trăm trẻ em ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được phát hiện nhiễm sán lợn.
Hàng trăm trẻ mắc sán lợn: Bao giờ nước mắt Thuận Thành thôi rơi? (Ảnh: KT) |
Từ cuối tháng 2 đến nay, đã có hàng nghìn người dân ở huyện Thuận Thành đưa con đi khám, xét nghiệm sau nghi vấn bếp ăn của trường mầm non xã Thanh Khương sử dụng thịt lợn nhiễm sán. Trước nỗi lo lắng, bất an của hàng ngàn phụ huynh, trước sự sợ hãi và những tiếng khóc thét của những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non khi bị lấy máu từ tờ mờ sáng, trước nỗi bức xúc, giận dữ của toàn xã hội về nạn thực phẩm bẩn … Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, trong đó Bộ Công an phải có trách nhiệm điều tra làm rõ nguyên nhân. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong khi các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ của mình thì nước mắt của những người cha, người mẹ ở Thuận Thành vẫn tiếp tục tuôn rơi. Không thể nói rằng, “họ lo lắng như thế là thái quá” khi thức ăn tại 19 trường mầm non ở địa bàn này cùng chung một nhà cung cấp, khi 3 trẻ đầu tiên - nơi xảy ra vụ việc được đưa đi xét nghiệm thì có đến 2 trẻ nhiễm sán.
Cho đến thời điểm này, khi vụ việc đã trở nên nghiêm trọng, chính quyền tỉnh Bắc Ninh mới đề nghị phụ huynh cho con em họ xét nghiệm tại địa phương và hoàn toàn miễn phí. Sự vào cuộc như vậy là quá chậm trễ khi những ngày qua, hàng trăm ông bố bà mẹ đã phải bỏ công bỏ việc, đưa con ra Hà Nội xét nghiệm với chi phí tốn kém hàng tỷ đồng.
Cùng với việc “tạo điều kiện” cho các gia đình đưa con em đi xét nghiệm, dư luận đang trông chờ vào kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng, rằng có hay không mối liên hệ giữa thực phẩm bẩn với bệnh sán lợn đang lây lan trong cộng đồng, trong những cơ thế bé bỏng, non nớt.
Cháy nhà ra mặt chuột. Công ty cung cấp thực phẩm cho hàng loạt trường mầm non ở đây là công ty nào, uy tín ra sao mà các trường lại “tin tưởng” và phó thác sức khỏe của hàng vạn cháu nhỏ như vậy? Có hay không “lợi ích nhóm”, có hay không việc “bôi trơn” để nhận được “đặc ân” này? Đó là câu hỏi mà dư luận trông chờ được trả lời một cách rõ ràng và minh bạch nhất.
Pháp luật còn kẽ hở, những người có trách nhiệm không nhìn thẳng vào sự thật, còn dung túng, bao che thì câu chuyện thực phẩm bẩn vào trường học – tội ác của những kẻ bất nhân sẽ tiếp tục tái diễn.
Bộ Công an sẽ vào cuộc và nếu phải khởi tố điều tra để đưa những kẻ táng tận lương tâm ra ánh sáng cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Không xử lý nghiêm, không ngăn chặn kịp thời thì sẽ còn “nước mắt Thuận Thành” tuôn rơi ở nơi này, nơi khác, sẽ còn những hoài nghi lan truyền trong xã hội và chắc chắn, sẽ có một thế hệ những đứa trẻ lớn lên bằng “thực phẩm bẩn” – đó là thế hệ tương lai của đất nước.
Những vụ án lớn- nhỏ, những quan chức từ cấp trung ương tới địa phương, những lãnh địa tưởng chừng như “bất khả xâm phạm”… đều không là ngoại lệ trước pháp luật. Không có lý do gì, những kẻ âm thầm gieo rắc bệnh tật cho đồng loại lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?./.
Tác giả: Quốc Phong
Nguồn tin: Báo VOV