Trong nước

Hàng nghìn người tiễn biệt 13 cán bộ hy sinh

Hàng nghìn đồng đội, người dân có mặt tại Bệnh viện Quân y 268 để tiễn đưa 13 cán bộ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỏi thăm thân nhân những cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Nhật Bắc

Sáng sớm 18/10, trời ngớt mưa, hàng nghìn đồng đội, người dân có mặt tại Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tiễn đưa 13 cán bộ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3. Suốt dọc đường di quan, người dân đứng kín hai bên đường để vẫy chào lần cuối những người con quả cảm của Tổ quốc.

Nước mắt mẹ già, niềm đau con trẻ

Từ sáng sớm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ đến lễ viếng các liệt sĩ. Ghi sổ tang, ông nhấn mạnh sự hy sinh của các liệt sĩ là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm vì dân vì nước…

“Những hành động quên mình cứu dân của các đồng chí là tấm gương sáng ngời và còn mãi với người dân và các thế hệ mai sau”, Phó Thủ tướng viết.

Tại nhà tang lễ, hàng nghìn quân nhân, người thân các liệt sĩ, đại diện chính quyền các tỉnh, thành lân cận cùng đến viếng, tiễn đưa 13 cán bộ, chiến sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Càng về cuối buổi sáng, dòng người càng đông hơn, lặng lẽ nối nhau quanh 13 chiếc quan tài được phủ lá cờ Tổ quốc. Những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào khiến cho bất cứ ai có mặt đều không thể cầm lòng.

Bà Đinh Thị Hồng, mẹ liệt sĩ Bùi Phi Công (Cục phó Cục Hậu cần, Quân khu 4) đã chết lặng kể từ khi nghe tin con mất. Đến cả khi đang đứng tại lễ viếng và truy điệu con trai mình, bà cũng không tin đó là sự thật, liên tục ngất.

“Sao con bỏ mẹ, sao không để mẹ đi thay con. Công là đứa con hiếu thảo, lần nào về thăm nhà cũng mua đủ thứ đồ về, kể chuyện đơn vị, chuyện chiến đấu. Nó bảo những lần tác chiến, vất vả nhưng ấm áp tình quân dân, tình đồng đội. Vậy mà sao không để nó sống mà giúp dân, sao không để tôi đi...”, bà Hồng nấc nghẹn mỗi khi tỉnh lại.

Trong khi đó, vợ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, đã không thể trụ vững. Chị được người thân và đồng đội của Thiếu tướng Hùng đưa ra ngoài nghỉ ngơi. Chị lịm đi trong vòng tay của người thân.

Tại lễ viếng và lễ truy điệu, ai cũng xót xa trước hình ảnh bé gái 2 tuổi đội khăn trắng. Đó là con của liệt sĩ Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bé dường như chưa thể cảm nhận được nỗi đau mất bố, vẫn ngây thơ với những chuyện xảy ra xung quanh mình. Bà Võ Thị Nguyệt, mẹ vợ liệt sĩ Quốc ôm cháu vào lòng, thổn thức: “Lần cuối trước khi đi, nó ôm con vào lòng, dặn con phải ngoan, phải biết nghe lời rồi hôn con tạm biệt. Đâu biết rằng đó lại là nụ hôn cuối cùng của nó với con gái”.

Các anh đã về với đất Mẹ!

Sau lễ viếng, lễ truy điệu theo nghi thức tang lễ cấp cao của Quân đội, đúng 13h cùng ngày, linh cữu 13 cán bộ hy sinh trên đường đi cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 đã được đưa về quê nhà để tổ chức tang lễ, an táng tại địa phương.

Tại căn nhà số 75 đường Sông Bồ (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hàng trăm người dân đã tập trung từ sớm, chờ xe chở linh cữu ông Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) trở về.

Những tiếng khóc tiếc thương, những khuôn mặt buồn rầu khiến không khí đau buồn bao trùm căn nhà cấp 4 nhỏ bé, nằm nép bên dòng sông Bồ, mới hai ngày trước còn ngập chìm trong nước. Người dân muốn đến tiễn biệt lần cuối vị Chủ tịch huyện mà khi còn sống, đã luôn hết mình vì dân, luôn lo cho dân.

Cùng thời điểm, người dân làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng chuẩn bị tang lễ cho Đại úy Trương Anh Quốc (nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Những ngày qua, thôn Hiền Lương ngập sâu, người dân lo lắng không thể làm lễ tang cho Đại úy Quốc được. Nhưng đến sáng 18/10 trời ngớt mưa, nước rút. Từ đêm 17/10, đồng đội của Đại úy Quốc đã huy động ghe, xuồng đặc dụng phòng trường hợp lũ tiếp tục dâng cao, không thể đưa linh cữu anh về nhà.

Đại úy Trương Anh Quốc là con đầu trong gia đình có 4 anh em. Anh có vợ và 2 con gái nhỏ, đứa lớn mới chỉ 5 tuổi. Vợ chồng anh vừa tích góp, vay mượn gây dựng một tổ ấm riêng cho mình tại TP Huế trong năm 2020 này. Căn nhà ấm áp, rộn rã tiếng cười chưa được bao lâu thì nay anh đã ra đi mãi mãi.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, để xoa dịu phần nào nỗi đau của các gia đình liệt sĩ cũng như ghi công những người đã nằm xuống, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã phối hợp giải quyết các chế độ chính sách cho các cán bộ hy sinh.

Theo đó, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã được truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng. Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, đây là lần đầu tiên quân đội làm việc này, vì các trường hợp trước đây chỉ truy thăng đến quân hàm Đại tá.

Cũng theo Thượng tướng Phan Văn Giang, vợ của 3 cán bộ hy sinh có nguyện vọng trở thành quân nhân chuyên nghiệp, Quân khu 4 sẽ làm các thủ tục báo cáo Bộ Quốc phòng.

Tác giả: Vĩnh Nhân - Quang Đạt

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP