Kinh tế

Hàng loạt dự án chờ rót vốn ODA

16 dự án Mekong DPO sử dụng vốn vay ODA đang được các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành ĐBSCL gấp rút xây dựng để đề xuất Thủ tướng phê duyệt; kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho miền Tây, tăng sự kết nối liên vùng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương miền Tây đang xây dựng 16 dự án "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" (Mekong DPO) với tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỉ đồng (hơn 2,8 tỉ USD), còn lại là vốn đối ứng.

Xây dựng nhiều tuyến đường giao thông

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tháng 3-2022, 6 đối tác nước ngoài đã thống nhất phương án hỗ trợ nguồn vốn phát triển (ODA) cho Mekong DPO. Từ đó, các địa phương đã xây dựng nhiều dự án về hạ tầng giao thông.

Trong các dự án này, đáng chú ý là tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; đường ven biển kết nối Kiên Giang - Cà Mau và nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 963 đoạn Quốc lộ 80 - Vị Thanh qua 2 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng của tỉnh Kiên Giang nối với huyện Thới Lai, TP Cần Thơ; đường ven biển đoạn qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam sông Hậu; xây dựng các tuyến đường nhằm cải thiện liên kết vùng Đông Nam tỉnh Sóc Trăng và kết nối với 2 tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh…

Quốc lộ 53 trong các dự án Mekong DPO đang được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vay vốn ODA để nâng cấp, cải tạo

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết đề xuất của Bộ GTVT về dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 62 đã được Thủ tướng phê duyệt. Những dự án còn lại đang được các địa phương điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện - căn cứ theo ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong quý III và quý IV/2023.

Bản đồ các dự án Mekong DPO - cập nhật đến tháng 7-2023

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ KH-ĐT, lưu ý trong quá trình hoàn thiện dự án để trình Thủ tướng, các địa phương cần xem xét sao cho phù hợp với quy hoạch (quy hoạch ngành, vùng, tỉnh - thành), đáp ứng tiêu chí mà Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đề ra, theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dự án phải có tính liên vùng, kết nối địa phương với vùng, mở rộng không gian phát triển; tính toán khả năng vay, trả nợ, bố trí vốn đối ứng…

Đẩy nhanh tiến độ

Bộ KH-ĐT vừa có cuộc họp lần thứ 2 với đại diện 6 đối tác phát triển và 13 tỉnh, thành ĐBSCL để tháo gỡ vướng mắc của từng dự án. Tỉnh Kiên Giang đã đề xuất thêm Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ ven biển với tổng mức đầu tư hơn 2.326 tỉ đồng, trong đó vay KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức) 1.847 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Vụ Kinh tế đối ngoại nhận xét dự án này chưa đáp ứng đủ tiêu chí của Bộ TN-MT. Tỉnh Kiên Giang cũng được lưu ý cần rà soát lại mức chi phí dự kiến, làm sao bảo đảm đủ vốn hoàn thành tất cả mục tiêu mong muốn của dự án.

Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Sau khi Bộ TN-MT và Bộ KH-ĐT yêu cầu, chúng tôi đã giải trình về dự án. Chúng tôi cũng đã hoàn thiện dự án chính thức và đang đề xuất UBND tỉnh gửi Bộ KH-ĐT để trình Thủ tướng".

Tại cuộc họp nêu trên, dự án Đường kết nối Quốc lộ 91B qua huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với Quốc lộ 80 qua huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang và Quốc lộ 61C qua tỉnh Hậu Giang, do TP Cần Thơ đề xuất, cũng được các bộ, ngành đóng góp ý kiến. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thông tin: "Cần Thơ đã trao đổi với các tỉnh liên quan trong quá trình xây dựng dự án. Với những nội dung mà các bộ, ngành góp ý, Cần Thơ sẽ sớm hoàn thiện dự án gửi Bộ KH-ĐT để trình Thủ tướng".

Đại diện các đối tác phát triển - như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), KfW… - đề nghị phía Việt Nam cần tăng tốc phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư và các dự án để tiến hành đàm phán ký hiệp định vay vốn ODA. Bộ KH-ĐT dự kiến các dự án Mekong DPO sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2023 đến tháng 9-2024; có quyết định đầu tư từ giữa năm 2024 đến đầu năm 2025 và ký hiệp định từ cuối năm 2024 đến tháng 9-2025. Với lộ trình này, sớm nhất là đầu năm 2025, một số dự án sẽ bắt đầu khởi công.

Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỉ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của 16 dự án Mekong DPO.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cùng UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện đúng quy định về đấu thầu, đấu giá..., bảo đảm không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm; triển khai thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về sự cần thiết, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, phù hợp với khả năng vay, trả nợ và khả năng bố trí vốn đối ứng của dự án...

Tác giả: LÊ KHÁNH

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP