Tin địa phương

Hàng loạt doanh nghiệp BĐS rục rịch với kế hoạch gọi vốn

Trong tháng 9, Nam Long, Becamex IDC,... lần lượt công bố kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu. Bên cạnh đó, thành viên nhóm Novaland, Kinh Bắc… cũng dự kiến vay hàng nghìn tỷ từ kênh tín dụng cho các dự án BĐS.

Liên tục công bố các kế hoạch phát hành trái phiếu

Ngày 19/9 vừa qua, HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị tối đa 500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý III này.

Lô trái phiếu sẽ có kỳ hạn 5 năm năm, loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất dự kiến là 9,6%/năm.

Với số tiền thu được, Nam Long sẽ dùng để đầu tư dự án Khu dân cư Nam Long 2 thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ, TP Cần Thơ. Dự án có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; tổng diện tích 43,8 ha. Hồi giữa tháng 2 năm nay, UBND TP Cần Thơ đã văn bản về việc giao phần 36,99 ha đất cho Nam Long để thực hiện dự án.

Cùng ngày 19/9, HĐQT CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị tối đa 650 tỷ đồng, loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.

Tài sản đảm bảo cho trái phiếu là phần diện tích sở hữu riêng của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Hùng Sơn và 16,5 triệu cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng do Văn Phú phát hành thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT công ty.

Công ty không cho biết mục đích của đợt huy động vốn lần này.

Ngày 14/9, HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) cũng thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 760 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 6, Becamex IDC từng cho biết dự kiến sẽ huy động tổng cộng 2.000 tỷ đồng từ kênh huy động vốn này trong năm nay. Kế hoạch này tương tự với kế hoạch phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 của doanh nghiệp, song khi đó đã không thực hiện được do kênh huy động vốn từ trái phiếu năm qua không thuận lợi.

Hay CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) mới đây cũng tiết lộ kế hoạch huy động trái phiếu gần 7.000 tỷ đồng thông qua tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của doanh nghiệp.

Cụ thể, CII cho biết đang làm việc với một tổ chức tài chính quốc tế để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà công ty dự kiến phát hành với tổng giá trị gần 2.400 tỷ đồng, thời hạn trên 10 năm.

Công ty cũng dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm, tổng giá trị 4.500 tỷ đồng. Trước mắt, công ty đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng.

Thống kê trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính riêng từ cuối tháng 7 đến nay, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được tổng cộng 24.823 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Trong đó, tính riêng trong tháng 9 đến nay có một lô trị giá 1.000 tỷ đồng, do Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) phát hành.

Các doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn có thể kể đến Công ty TNHH Capitaland Tower (với 4 lô trái phiếu có tổng giá trị gần 12.240 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (4.100 tỷ đồng), CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) (2.333 tỷ đồng), CTCP Phú Thọ Land (1.900 tỷ đồng),...

Ngoài kênh trái phiếu, trong tháng 9, các doanh nghiệp bất động sản cũng công bố kế hoạch huy động vốn thông qua các kênh khác.

Đơn cử như CTCP Địa ốc Ngân Hiệp dự kiến vay MBBank với hạn mức tín dụng tối đa là 1.200 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay tại mọi thời điểm đối đa 600 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này là công ty con của CTCP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL), vay vốn với mục đích đầu tư, xây dựng và phát triển hai dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1, 2 - Hồ Tràm, thuộc tổng thể dự án Novaworld - Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một doanh nghiệp khác, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) cũng đăng ký vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo đó, số tiền cần vay là 1.120 tỷ đồng, nhằm rót vào dự án NOXH thuộc dự án Khu đô thị - dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, do SHP làm chủ đầu tư.

SHP là một công ty con của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC).

Hay Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã chứng khoán: DIG), tại cuộc họp thường kỳ tháng 9, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo thu xếp nguồn tài chính khoảng 2.000 tỷ đồng để chủ động công tác đầu tư các dự án.

Khi đó, lãnh đạo DIC Group cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc hoàn thành công tác tháo gỡ vướng mắc pháp lý tại các dự án như Khu đô thị Du lịch Long Tân; Khu đô thị Du lịch Sinh thái Đại Phước; Khu dân cư Hiệp Phước; Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu,…; đồng thời cho biết đã trình Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án DIC Lantana City Hà Nam (tên pháp lý: Khu nhà ở Lam Hạ Center Point).

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã chứng khoán: CKG) vừa thông qua việc tiếp tục triển khai phương án chào bán hơn 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo đó, công ty dự kiến giá phát hành 15.000 đồng/cp, thấp hơn 44% so với thị giá mã CKG tại thời điểm chốt phiên ngày 14/9. Nếu hoàn tất như kế hoạch, CIC Group sẽ thu hơn 201 tỷ đồng từ thương vụ này nhằm thanh toán các khoản nợ vay đến hạn, nợ phải trả cho cá đơn vị thi công, thanh toán tiền mua nguyên vật liệu,...

Tác giả: Hiền Minh

Nguồn tin: doanhnhanvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP