Kinh tế

Hàng không thiếu máy bay, Bộ trưởng GTVT yêu cầu kiểm soát giá vé cao điểm hè

Các hãng hàng không đồng loạt phải triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay, khiến giá vé cao điểm hè nguy cơ tăng mạnh, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu kiểm soát, tháo gỡ.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II của Bộ GTVT chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không tăng cường kiểm tra các hãng về giá vé máy bay, việc bảo đảm duy trì tàu bay do ảnh hưởng của việc triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay.

"Thực tế, chi phí đầu vào đang rất cao nhưng giá vé còn chưa chạm trần, đây là sự chia sẻ của các hãng hàng không. Song để đảm bảo phát triển dài hạn, các hãng hàng không cần nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để các hãng có điều kiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Yêu cầu của ông Thắng được đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không đang thiếu máy bay trầm trọng, khiến nguồn cung cho dịp cao điểm hè khá căng thẳng, khiến nguy cơ giá vé đắt đỏ càng tăng thêm. Theo tính toán của Cục Hàng không, dịp hè 2024, cần khoảng 24 - 26 triệu ghế để đáp ứng nhu cầu của hành khách và dự kiến các hãng sẽ thiếu từ 24 - 26 máy bay trong đợt này.

Các hãng hàng không dự kiến thiếu 24 - 26 máy bay trong đợt cao điểm hè 2024. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, việc thuê máy bay hiện vừa đắt đỏ vừa khan hiếm. Ví dụ, thời điểm trước Tết 2024, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ thì đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ.

Theo ông Thắng, lý do của việc thiếu máy bay là nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney triệu hồi động cơ PW 1100 trên máy bay Airbus A321 NEO để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Có 42 máy bay của Vietjet, Vietnam Airlines trong diện triệu hồi. Đến nay có 22 máy bay đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa, 22 chiếc còn lại sẽ lần lượt dừng khai thác để kiểm tra động cơ trong năm.

Ban đầu Pratt & Whitney thông báo cần trung bình 18 tháng để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế động cơ sau khi tháo khỏi máy bay. Nhưng thông tin cập nhật mới nhất là do số lượng động cơ trên toàn cầu phải tháo ra bảo dưỡng rất nhiều nên thời gian bảo dưỡng động cơ có thể kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027.

Một nguyên nhân nữa là các hãng hàng không thua lỗ nặng, phải trả máy bay cho đối tác, đàm phán và tái cơ cấu. Ví dụ như Pacific Airlines hiện không còn máy bay, Bamboo Airways cũng chỉ còn 5 chiếc.

Nói về thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo: "Đây là trường hợp bất khả kháng, cần nghiên cứu tăng tần suất hoạt động nhưng phải lưu ý vấn đề an toàn bay".

Theo Cục trưởng Cục Hàng không, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Vietnam Airlines cam kết sẽ thêm số lượng máy bay trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9. Từ tháng 7 đến tháng 9, Vietjet cũng sẽ tăng số lượng máy bay.

Đồng thời, Cục Hàng không và các hãng tính toán giải pháp tăng thời gian khai thác của máy bay trong ngày, giảm thời gian quay đầu giữa hai chuyến bay của máy bay Airbus A321 từ 45 phút xuống 30 - 35 phút. Hiện mỗi máy bay Airbus A320, A321 của Vietnam Airlines đang khai thác bình quân 9 - 10 tiếng/ngày, máy bay cùng loại của Vietjet khoảng 12 - 13 tiếng/ngày sẽ được tính toán để kéo dài thêm.

Bên cạnh đó, việc đưa thêm máy bay thân rộng vào khai thác đường bay nội địa cũng được tính toán dù tốn kém.

Tác giả: Thành Lâm

Nguồn tin: vtcnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP