Giá xăng dầu tăng kéo theo dịch vụ vận tải, hàng hóa cũng tăng giá ẢNH: KHẢ HÒA |
Dịch vụ vận tải tăng 5 - 25%
Giá xăng tăng liên tục nên các doanh nghiệp (DN) vận tải cũng tăng giá dịch vụ. Grab đã điều chỉnh tăng giá cước tối thiểu trên 1 chuyến xe từ 20.000 - 25.000 đồng, tương đương mức tăng 20 - 25%.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần, trong đó có 4 lần tăng giá. Tổng cộng, giá xăng RON95 hiện đứng ở mức 21.511 đồng/lít, cao hơn 1.221 đồng/lít so với đầu năm và giá xăng E5 RON92 ở mức 19.940 đồng/lít, tăng thêm 1.697 đồng/lít. Giá dầu mazut là 14.437 đồng/kg, cao hơn 2.055 đồng/kg.
Trước đó, ngày 24.5, các DN vận tải trên địa bàn TP.HCM đã có cuộc họp thống nhất tăng giá thành vận chuyển hàng hóa lên từ 5 - 10%. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, cho biết phí nhiên liệu chiếm đến 40% cơ cấu chi phí vận tải. Ông lấy ví dụ: Một xe đầu kéo chở hàng từ TP.HCM đi Nha Trang, quãng đường cả đi và về hết 900 km, tiêu thụ khoảng 330 lít dầu. Giá dầu tăng từ đầu năm đến nay gần 3.000 đồng khiến giá thành mỗi chuyến đi tăng thêm khoảng 1 - 1,2 triệu đồng, từ 14 triệu lên hơn 15 triệu đồng/xe/chuyến. Chưa kể giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác trong nhóm ngành liên quan như dầu, dầu nhớt, mỡ bò, xăm lốp… Tất cả các khoản này đều phải hạch toán hết trong chi phí nên buộc DN phải đẩy giá thành. “Lần này giá xăng dầu tăng cao, tích lũy từ đầu năm đến giờ nên buộc các DN phải cùng nhau tăng giá. Dự báo sẽ có biến động lớn về giá thành vận tải trong thời gian tới”, ông Vinh khẳng định.
Đại diện một DN vận tải khác tại TP.HCM cũng than thở, mỗi lần giá xăng dầu tăng, DN lại phải thông báo đến tất cả khách hàng để điều chỉnh giá trong hợp đồng đã ký. Sau đó, phải chờ khách hàng phản hồi rồi mới hạch toán chi phí, tiền lương… Mật độ tăng giá xăng dầu quá nhanh và sát khiến các DN nhiều khi chưa kịp nhận phản hồi từ khách hàng đã phải gửi thông báo mới.
Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, các DN vận tải hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chịu tác động mạnh bởi rất nhiều loại phí… trong khi đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ phía các DN đầu tư nước ngoài. Một số lượng không nhỏ các DN vận tải đã phải giải thể, chuyển nghề, bán bớt phương tiện hoặc hoạt động dưới giá thành. Do đó, nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu trong thời gian nhất định, trung bình khoảng 4 - 6 tháng để DN có thể hoạt động ổn định, đảm bảo lợi nhuận.
Mặt bằng giá mới
Xăng tăng, cước điều chỉnh tăng nên giá hàng hóa tiêu dùng cũng áp lực tăng. Hôm qua (25.5), một số thương hiệu thép ở phía nam đã chính thức tăng giá bán ra thêm 200.000 đồng/tấn. Mặc dù cho biết giá tăng chủ yếu do nguyên liệu đầu vào đang lên nhưng lãnh đạo Công ty thép Pomina nói rằng phí vận chuyển gia tăng cũng góp phần cho việc tăng giá này.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, phân tích: Các DN vận tải đều thông báo tăng giá dịch vụ từ vận chuyển đến dịch vụ đưa đón cán bộ nhân viên. Với khoảng 500 công nhân như hiện nay, chỉ riêng phụ phí xăng xe hằng tháng của công ty tăng thêm gần 50 triệu đồng. Ước tính chi phí logistics chiếm hơn 10% trong chi phí hoạt động của công ty, trong đó phần lớn là chi phí hoạt động vận tải. Hoạt động trong ngành nhựa, giá dầu liên quan trực tiếp đến nguyên liệu đầu vào nên ông Trần Việt Anh theo dõi rất sát. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu nhựa vẫn ổn định và trước đó cũng chỉ tăng 1 - 2%. Ông dẫn chứng thêm, đầu năm 2011 giá dầu thô thế giới ở mức 90 USD/thùng thì giá xăng RON95 là 19.800 đồng/lít, vẫn thấp hơn mức hiện nay là 21.511 đồng/lít. “Nói giá dầu tăng cao nhưng hiện chỉ hơn 80 USD/thùng thì chỉ ở mức trung bình. Thật khó hiểu vì sao giá xăng dầu của VN lại tăng nhanh hơn”, ông Anh đặt vấn đề.
GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, nhận định giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới khiến việc tăng giá là bất khả kháng. Tuy nhiên, hiện nay, chi phí hoạt động của các DN đều rất cao, nên khi một khoản chi phí nào đi lên sẽ là gánh nặng lớn trong hoạt động, sức cạnh tranh ngày càng giảm sút. Đồng thời đời sống của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí tiêu dùng gia tăng. “Quan trọng nhất là nhà nước phải cân nhắc khi tăng thêm bất cứ loại phí, thuế nào, đặc biệt việc tăng phí môi trường lên mức trần đối với tiêu thụ xăng dầu sẽ càng làm tăng gánh nặng lên vai của toàn nền kinh tế. Để khuyến khích DN hoạt động tốt, đóng góp nhiều cho nền kinh tế thì Chính phủ cần phải cố gắng giảm càng nhiều các loại chi phí”, GS-TS Lược chia sẻ.
Tác giả: Mai Phương
Nguồn tin: Báo Thanh niên