Thế giới

Hai phiên tòa có tác động đến cục diện chính trị của Hàn Quốc

Tòa án sẽ tổ chức phiên biện hộ cuối cùng trong tiến trình luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol; trong khi ông Lee Jae Myung - ứng viên số 1 trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống cũng sẽ ra tòa.

Ông Yoon Suk Yeol tại một phiên điều trần luận tội. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn và trong tuần này sẽ diễn ra 2 phiên tòa quan trọng, được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến cục diện chính trị ở Xứ sở kim chi.

Cụ thể, ngày 25/2, Tòa án Hiến pháp sẽ tổ chức phiên biện hộ cuối cùng trong tiến trình xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ban bố thiết quân luật. Trong phiên xử thứ 11 này, tòa sẽ dành thời gian để các bên đưa ra lập trường mà không bị giới hạn.

Thông tin cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ trực tiếp đưa ra phát biểu cuối cùng tại Tòa án Hiến pháp. Ông Yoon Suk Yeol đã đích thân chuẩn bị nội dung phát biểu này, trong đó ông dự kiến sẽ tiếp tục khẳng định tính hợp pháp của việc ban bố thiết quân luật đêm 3/12.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiến pháp, một tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc đích thân đưa ra phát biểu cuối cùng tại Tòa án Hiến pháp và nếu luận tội được thông qua, đây có thể là phát biểu trước công chúng cuối cùng của ông Yoon Suk Yeol.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Lập pháp và Tư pháp Chung Cheong Rae sẽ đại diện cho bên nguyên là Quốc hội đưa ra phát biểu cuối cùng. Nội dung sẽ tập trung vào quan điểm và các luận cứ toàn diện để luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Phát biểu với báo giới ngày 24/2, nghị sỹ Chung cho biết trong tuyên bố cuối cùng, ông sẽ nêu lý do Tổng thống Yoon Suk Yeol nên bị luận tội và cách thức để Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng thiết quân luật.

Sau phiên biện hộ ngày 25/2, Tòa án Hiến pháp sẽ tiến hành nghị án trong khoảng 2 tuần và phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được công bố trong khoảng tuần thứ 2 của tháng 3.

Dư luận Hàn Quốc có cách nhìn khác nhau về phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Phát biểu ngày 24/2, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Kwon Seong Dong cho biết đảng này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận kết quả phiên tòa.

Trong khi đó, Giáo sư triết học Yoon Pyeong Jung thuộc Đại học Hanshin bày tỏ hy vọng, dù tòa đưa ra kết luận thế nào, ông Yoon Suk Yeol cũng sẽ chân thành kêu gọi những người ủng hộ đoàn kết với tư cách là Tổng thống của Hàn Quốc.

Trong một diễn biến khác, ngày 26/2, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Lee Jae Myung, ứng cử viên số 1 trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc, cũng sẽ phải ra tòa trong phiên xử phúc thẩm liên quan đến tội danh vi phạm Đạo luật bầu cử công chức.

Tiến trình xét xử tại Tòa án hình sự cấp cao Seoul sẽ diễn ra trong một ngày. Theo thông lệ, tòa án sẽ công bố phán quyết một tháng sau phiên tòa nên dự kiến phán quyết sẽ được công bố vào cuối tháng 3.

Ông Lee bị truy tố vào tháng 9/2022 với cáo buộc công bố các thông tin sai lệch liên quan đến ông Kim Moon Ki, cố Trưởng phòng Phát triển 1 tại Tổng công ty Phát triển đô thị Seongnam, đồng thời nhận các đối xử ưu đãi trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2021 nhờ thay đổi mục đích sử dụng địa điểm của Viện Nghiên cứu Thực phẩm Hàn Quốc tại Baekhyeon Dong, Seongnam, tỉnh Gyeonggi.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lee bị tuyên án 1 năm tù giam và 2 năm quản chế. Nếu tòa phúc thẩm cũng ra phán quyết tương tự, Chủ tịch đảng DP sẽ mất quyền ứng cử trong 10 năm tới và không thể tham gia cuộc đua tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới.

Giới phân tích cho rằng nếu Tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức bị luận tội và ông Lee bị y án trong phiên tòa phúc thẩm, cục diện cuộc bầu cử tổng thống sớm ở Hàn Quốc sẽ có nhiều thay đổi khó lường bởi ông Lee đang được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho cuộc đua vào nhà Xanh./.

Tác giả: Khánh Vân

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP