Trong nước

Hai cựu bộ trưởng bị bắt giam: Bài học răn đe quan tham đương chức

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá việc bắt giam 2 cựu bộ trưởng một lần nữa cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đồng thời giáo dục, răn đe những người còn đương chức.

Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam để điều tra với hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan.

Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc bắt giam 2 cựu bộ trưởng một lần nữa cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: T. Vương)

- Ông đánh giá thế nào việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam hai cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn?

Theo tôi, việc bắt giam hai cựu Bộ trưởng TT&TT lại một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái, biểu hiện thiếu trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên nắm chức vụ trong hệ thống chính trị.

Việc xử lý này vẫn theo quy trình, trước hết là xử lý về mặt Đảng, xử lý theo kỷ luật của Đảng. Sau khi đã xử lý kỷ luật Đảng, nếu vi phạm pháp luật của Nhà nước thì phải xử lý theo pháp luật. Đó là yêu cầu tất yếu trong điều kiện Đảng cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Cho nên theo tôi quyết định khởi tố, bắt giam, xem xét trách nhiệm hình sự là rất cần thiết để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ cương phép nước.

Mặc dù đã nghỉ rồi nhưng nếu xem xét lại tất cả những quá trình công tác mà vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước của nhân dân thì phải xử lý thôi, không có gì phải suy nghĩ cả. Theo tôi đấy là thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện nay.

Bây giờ đã đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải tùy mức độ xem xét vi phạm đến đâu để xử lý cho phù hợp với yêu cầu khách quan, giữ nguyên pháp luật của Nhà nước.

- Nhìn những hình ảnh tiều tụy, gây sốc của hai cựu bộ trưởng bị bắt giam được Bộ Công an công bố hôm nay, những cán bộ, đảng viên còn đang đương chức có nhìn vào đó để thấy được bài học cho mình, thưa ông?

Những xử lý như thế này sẽ có những tác động rất tích cực, tất nhiên là không ai mong muốn xử lý cán bộ, đảng viên của mình cả. Tuy nhiên, nếu cán bộ, đảng viên mà sai phạm, nhất là những cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý mà lại có những vi phạm như vậy thì phải xử lý.

Việc xử lý này có tác động giáo dục, răn đe phòng ngừa những người còn đang giữ các cương vị; giáo dục các cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị phải tu dưỡng, rèn luyện mình tốt hơn. Tránh việc khi mà có chức có quyền lại lạm dụng, lợi dụng để mà thực hiện những lợi ích riêng của mình.

Việc đó là hoàn toàn phù hợp và nó lại khẳng định lại quan điểm của Đảng ta mấy năm nay thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII là không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, kể cả với những người đã nghỉ hưu, những người không còn giữ chức vụ nữa nhưng mà nếu có vi phạm thì vẫn sẽ bị xem xét.

Theo tôi điều đó thể hiện sự nghiêm minh và chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đầu tranh đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Không ai muốn cán bộ cao cấp phải bị xử lý, nhưng anh đã gây nên tội thì phải chịu trách nhiệm, đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Xử lý để tự sửa mình và sống cho tử tế, đúng đắn hơn.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Đây cũng là sự tiếp nối trong công tác đấu tranh phồng chống tham những như ta đã tổng kết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến bây giờ, trong hơn 2 năm đã xử lý tới hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Điều đó cũng là thể hiện sự nghiêm minh trong việc thực hiện kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Ông tin tưởng thế nào với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta hiện nay?

Tôi hy vọng qua những xử lý như thế này, những vi phạm dần dần được phòng ngừa, được ngăn chặn và đẩy lùi một cách kịp thời để không còn phải xử lý những con người ở những cương vị cao, lẽ ra là rất được tin cậy như vậy.

Bị can Nguyễn Bắc Son.

Hy vọng sắp tới, cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống lãng phí sẽ tiếp tục có hiệu quả. Và ở đây còn gắn với trách nhiệm nữa, trách nhiệm trong quản lý, cán bộ lãnh đạo quản lý ngoài những phẩm chất đạo đức còn là trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân, để củng cố tốt hơn.

Không ai muốn cán bộ cao cấp phải bị xử lý, nhưng anh đã gây nên tội thì phải chịu trách nhiệm, đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Xử lý để tự sửa mình và sống cho tử tế, đúng đắn hơn.

Tổng Bí thư hay nhắc về việc thông qua xử lý kỷ luật này để mà cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe. Và tôi nhớ mãi câu của Bác Hồ từng nói năm 1945 đó là: “nói ra những tiêu cực này để mà những người nào đã phạm thì phải kiên quyết sửa chữa, và nếu không sửa chữa thì Chính phủ sẽ không dung thứ.. còn những ai không phạm phải những lầm lỗi ấy thì biết mà tránh đi”, tôi cho cái “biết mà tránh đi” ấy là rất quan trọng, để nó đừng xảy ra.

Còn nó đã xảy ra rồi thì yêu cầu khách quan phải xử lý để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: XUÂN TRƯỜNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP