Công văn do Tổng công ty Sông Đà gửi Bộ GTVT ngày 17/4 cho hay, theo hợp đồng BOT, trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đặt tại km 539+040 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên.
Tổng công ty Sông Đà đã gửi Bộ GTVT văn bản xin miễn giá dịch vụ cho người dân khi qua trạm thu phí Cầu Rác |
Trong quá trình thu phí, để đảm bảo an ninh trật tự, theo đề nghị của nhân dân, doanh nghiệp vận hành đã giảm 50% giá vé sử dụng đường bộ qua trạm cho các phương tiện đăng ký tại địa phương.
Ngày 18/1, xét theo đề nghị của UBND huyện Cẩm Xuyên, tổng công ty Sông Đà đã báo cáo đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp nhận đề nghị giảm giá vé cho nhân dân huyện Cẩm Xuyên khi lưu thông qua trạm Cầu Rác, tuy nhiên đến nay chưa nhận được ý kiến từ Bộ.
Ngày 16/4, khu vực trước và sau trạm thu phí Cầu Rác có khoảng 50 ô tô của nhân dân địa phương tụ tập căng biểu ngữ với nội dung phản đối việc thu phí BOT quốc lộ 1A tránh TP tại trạm Cầu Rác để yêu cầu miễn phí qua trạm. Việc này diễn ra trong nhiều giờ khiến trạm thu phí trở nên mất kiểm soát và gây ách tắc cục bộ trong nhiều giờ.
“Để đảm bảo an ninh trật tự khu vực trạm thu phí, nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương cũng như phương án tài chính của hợp đồng BOT, Tổng công ty Sông Đà đề nghị Bộ GTVT chấp thuận và hướng dẫn việc miễn vé dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm Cầu Rác cho phương tiện của nhân dân khi có xác nhận của chính quyền địa phương”, văn bản nêu rõ.
|
Người dân phản đối việc thu phí BOT khi qua Trạm thu phí Cầu Rác |
Trước đó, người dân ở các xã Cẩm Trung, Cẩm Minh của huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Phong của huyện Kỳ Anh đã dàn xe phản đối việc thu phí tại Trạm thu phí Cầu Rác.
Mới đây nhất, ngày 19/4, hàng trăm người dân đồng loạt viết đơn, ký vào gửi các cấp ngành trong tỉnh, Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà với yêu cầu miễn 100% phí BOT qua cầu Rác.
“Nếu chúng tôi sử dụng một m2 thôi cũng phải đóng. Nhưng đằng này chúng tôi không hề đi qua đường của họ mà lại thu phí của chúng tôi mấy năm nay rồi thì thật là vô lý. Chúng tôi yêu cầu miễn thu phí qua trạm Cầu Rác”, anh Nguyễn Văn Huy (xã Cẩm Minh) nói.
Ông Trần Văn Sỹ, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Cty vận tải Ôtô Hà Tĩnh cho biết, Cty hiện có 40 chiếc xe buýt tuyến Hà Tĩnh – Thị xã Kỳ Anh, trung bình một chiếc xe buýt trong một quý (3 tháng) phải nộp hơn 2,8 triệu tiền phí BOT. Và một năm với 40 chiếc xe, cty phải nộp hơn 430 triệu tiền phí BOT, mặc dù không sử dụng một mét đường BOT nào.
“Nguyên tắc là anh xây dựng BOT ở đâu thì thu phí ở đó, ai sử dụng thì phải trả tiền, còn ai không tham gia mà phải trả tiền thì rất bất công”, ông Sỹ nói.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn: Dân trí