Trong nước

Hà Nội chi 53 tỷ đồng mỗi năm để cắt cỏ 24km đại lộ Thăng Long

Hà Nội dừng việc cắt cỏ từ 1/7 vì chi phí quá lớn, khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm.

Thông tin tới cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 15/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay thành phố đẩy mạnh trồng cây xanh, với chi phí chưa đến 40 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí cắt cỏ trên địa bàn hàng năm rất lớn và lãng phí. "Thành phố đã nhận thức được vấn đề này và yêu cầu tất cả các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng", ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội cung cấp thêm thông tin mà ông cho rằng "nói ra nhiều người sẽ giật mình", đó là chi phí cắt cỏ cho 24 km Đại lộ Thăng Long (cắt cỏ và một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt) một năm là 53 tỷ đồng.

"Chi phí như trên là không thể chấp nhận được”, ông Chung nhấn mạnh và cho biết việc cắt tỉa cây hoa cảnh, cỏ tại các vườn hoa nay chỉ được thực hiện ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số vị trí quan trọng khác.

Thành phố Hà Nội đã yêu cầu dừng việc cắt cỏ trên đại lộ Thăng Long do chi phí quá lớn. Ảnh: Bá Đô.

Theo lãnh đạo Hà Nội, thời gian tới thành phố sẽ trồng cây trên toàn bộ quỹ đất dọc đại lộ Thăng Long. Kế hoạch bước đầu là trồng 20.000 cây cọ dầu theo 4 luống tại đại lộ, sau đó sẽ trồng tiếp 45.000 cây để tạo cảnh quan rừng cây. Toàn bộ số này do các doanh nghiệp tặng thành phố. Hiện, công ty Việt Hưng tặng 10.000 cây, các công ty khác tặng 18.000 cây.

Ông Chung nói, trong lĩnh vực trồng cây xanh, những năm qua thành phố đã thực hiện xã hội hóa, tuy nhiên về bản chất không phải tiền tư nhân mà từ ngân sách thành phố đặt hàng. “Đặt hàng nên nhiều công ty lao vào làm, khiến chúng ta không kiểm soát được chất lượng, vì vậy mới có tình trạng cây bật gốc. Cách làm tới đây là chúng ta phải có đầu mối để kiểm soát chất lượng”, ông Chung nói.

Được thông xe và gắn biển dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại lộ Thăng Long bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, đi qua qua các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đến ngã tư giao với quốc lộ 21A (km 31+64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh).

Đai lộ gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Hệ thống đèn cao áp gồm 5 hàng chạy dài suốt tuyến.

Tác giả bài viết: Võ Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP