Mẹ biết là con đang có những hồi hộp, lo lắng khi bắt đầu cuộc sống mới, trong gia đình mới, những mối quan hệ mới với vô số những điều, những việc phải học, phải làm quen và thích nghi
Cũng như con, mẹ có những băn khoăn khi trong nhà xuất hiện thêm một thành viên mới, người đó không phải là người quen, người thân, họ hàng máu mủ với mẹ nên sẽ không tự nhiên mà có sự gắn kết. Người đó được sinh ra và lớn lên ở một gia đình khác, có thể lối sống, cách giáo dục, nền tảng văn hóa khác với gia đình mẹ. Người đó cùng mẹ gánh vác công việc trong gia đình nhưng cũng sẽ san sẻ bớt của mẹ thời gian, tình cảm, sự quan tâm mà từ trước đến giờ con trai mẹ vẫn dành cho mẹ. Cũng như nỗi hụt hẫng của con khi phải xa bố mẹ, xa gia đình đã gắn bó với con từ thuở lọt lòng để về làm dâu nhà người.
Cũng như con, mẹ có những băn khoăn khi trong nhà xuất hiện thêm một thành viên mới, người đó không phải là người quen, người thân, họ hàng máu mủ với mẹ nên sẽ không tự nhiên mà có sự gắn kết. Người đó được sinh ra và lớn lên ở một gia đình khác, có thể lối sống, cách giáo dục, nền tảng văn hóa khác với gia đình mẹ. Người đó cùng mẹ gánh vác công việc trong gia đình nhưng cũng sẽ san sẻ bớt của mẹ thời gian, tình cảm, sự quan tâm mà từ trước đến giờ con trai mẹ vẫn dành cho mẹ. Cũng như nỗi hụt hẫng của con khi phải xa bố mẹ, xa gia đình đã gắn bó với con từ thuở lọt lòng để về làm dâu nhà người.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Xét đến cùng, con và mẹ, mỗi người đều có nỗi niềm, trách nhiệm riêng nhưng chung mục đích khi về sống cùng nhau. Vậy nên mẹ mong mẹ con mình cùng cố gắng con nhé.
Mẹ biết cô con dâu nào cũng ghét chuyện bị mẹ chồng nói xấu sau lưng. Mẹ cũng vậy. Mẹ dị ứng với những cô con dâu cứ mở miệng ra là kể lể, than thở, phê phán gia đình chồng, nhất là mẹ chồng. Thứ mà cả hai không thích nhưng lại cứ hay làm dù chẳng ai ép buộc ta cả. Mẹ nghĩ, mẹ con mình hoàn toàn có thể không phải làm chuyện này. “Nhân vô thập toàn”, mẹ con ruột thịt lắm lúc còn hục hặc, va chạm nói gì đến mẹ chồng con dâu, vậy nên đừng xỉa xói, bới móc nhau, đừng bằng mặt mà không bằng lòng. Cái gì bỏ qua được thì ta bỏ qua, cái gì không vừa, không phải thì mẹ con góp ý cho nhau cùng sửa đổi.
Qua rồi cái thời mẹ nói dù đúng hay sai con vẫn phải nghe, nhưng cũng đừng mẹ chưa dứt lời đã bật lại tanh tách, mẹ nói ba con cãi bảy… chẳng mẹ chồng nào chấp nhận được đâu con. Giận thì cứ phải xả, nhưng hãy xả bằng cách nào dễ chịu nhất, ít làm người khác tổn thương nhất, chứ đừng chất ấm ức, dồn căng thẳng trong người. Cuộc sống mong manh và ngắn ngủi lắm con ạ.
Tuổi trẻ các con bây giờ học cao, hiểu rộng, nhưng kinh nghiệm của người già không phải là thứ bỏ đi. Mẹ đau lòng khi thấy vài bà bạn cứ gặp là than giờ con cái nó nghe sách báo, ti vi hơn là nghe bố mẹ mình. Có góp ý cho chúng nó cũng bằng thừa.
Mẹ không muốn một ngày chính mẹ phải thốt lên những lời não nề đó. Vậy nên mẹ sẽ học cách để tiếp thu cái mới từ con, nhưng con cũng nên học cách lắng nghe những điều mà mẹ đã đúc kết bằng sự trải nghiệm, con nhé. Con ao ước con của mình lớn lên khỏe mạnh, lanh lợi, thông minh. Là bà, mẹ cũng chỉ mong có vậy. Thế nên nếu chẳng may mẹ con mình “bất đồng” trong cách dạy cháu thì mong con luôn nghĩ rằng mẹ thương cháu cũng chẳng kém gì con.
Chuyện bếp núc con có thể không rành, không chuyên, khi con bận đi làm mẹ có thể đỡ đần thay con nhưng mẹ muốn con phải có ý thức về chuyện đó. Bởi cái bếp là tổ ấm của người đàn bà, mỗi khi để bếp nguội nhiều thứ khác cũng nguội theo.
Con thấy rồi đấy, mẹ con mình cùng yêu chung một người đàn ông. Có thể mẹ với con không hòa hợp nhưng hãy vì chồng của con - con trai mẹ mà cố gắng. Để người đàn ông chúng ta yêu không bao giờ phải đau đầu, rối trí giữa “cuộc chiến không hồi kết” giữa mẹ và vợ.
Hơn hết cả, mẹ vẫn mong mẹ con mình hòa hợp, sống tốt, đối xử tốt với nhau. Tình cảm sẽ theo thời gian mà gắn kết, sơ rồi sẽ thành thân, xa rồi sẽ trở nên gần.
Tác giả bài viết: Thu Đức