Trước tình trạng đó, từ năm 2015, Chính phủ đã cho thực hiện dự án kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Hội An (gọi tắt là DA kè), hiện đang trong giai đoạn cuối dự án. Theo đánh giá, bước đầu DA đã phát huy hiệu quả giữ được bờ biển. Hiện DA đang tạo bãi kéo khách du lịch trở lại. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở hiện đang tiến về phía Bắc (gần khu vực giáp thị xã Điện Bàn) với thực trạng rất nghiêm trọng, khu vực lại nằm ngoài DA kè. Việc thực hiện gặp nhiều bất cập, nhất là nhập nhằng giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo ông Phạm Văn Điểu, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng TP. Hội An, DA kè khẩn cấp từ năm 2015-2017 dài trên 1km, từ đoạn mép cuối khách sạn Victoria Hội An lên đến mép đầu resort Palm Garden Hội An với vốn đầu tư 54 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 45 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An.
Tiến độ thực hiện đã được 85%, đang dần hoàn thiện giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ở đoạn cuối này cũng đang gặp trục trặc.
Ông Nguyễn Doanh, quản lý Palm Garden Hội An (thuộc Công ty TNHH MTV Phước Thịnh) cho biết, năm 2016, phía trước bờ biển của Palm Garden Hội An bị sạt lở nghiêm trọng, sóng đánh xói lở làm hư hỏng khuôn viên gây thiệt hại lớn. Công ty đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để làm kè, làm mỏ hàn từ bờ biển kéo ra 80m, làm kè mềm ngoài biển và làm trong bờ thì mới giữ được tình trạng tạm ổn cho đến nay.
“Nhưng thời điểm này, tình trạng sạt lở nguy cơ trở lại khi việc xói lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là việc DA kè thực hiện ngay sát Palm Garden Hội An. Khi DA kè làm mỏ hàn hướng ra biển, bờ được bồi bên này sẽ bị xói lở bên kia. Trước tình trạng cấp bách, phía công ty đã cắt bỏ bao bì của mỏ hàn bên cạnh mỏ hàn của DA kè để tìm giải pháp”, ông Doanh trình bày.
Ông Doanh đề nghị khi thực hiện dự án thì cũng cần lắng nghe doanh nghiệp và điều cần kíp là sớm tìm một giải pháp đồng bộ để tránh tình trạng xâm thực vào bãi biển của Palm Garden cũng như một số địa điểm khác.
Ông Nguyễn Doanh cho rằng, việc thực hiện DA kè cần phối hợp đồng bộ hơn với với doanh nghiệp |
Chúng tôi nêu những thắc mắc của Palm Garden, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, trước khi đề xuất thực hiện dự án khẩn cấp thì sạt lở chỉ mới đến cạnh khu vực của Palm Garden. Hơn nữa, phía trước tuyến DA kè một số doanh nghiệp cũng tự bỏ kinh phí làm nhưng thực sự chưa đồng bộ. Trong đó, khách sạn Victoria Hội An thực hiện kè mềm khẩn cấp thấy có hiệu quả nên DA kè thực hiện theo mô hình của khách sạn này. Đến nay, đã thấy hiệu quả bước đầu.
Theo ông Hùng, Palm Garden Hội An tự bỏ kinh phí để làm kè mềm thành phố đánh giá rất cao việc chung tay cùng nhà nước để bảo vệ bờ biển chung của thành phố. Tuy nhiên, khi thực hiện thì phía Palm Garden thực hiện chưa đồng bộ kỹ thuật mà DA kè khẩn cấp đang áp dụng nên hiệu quả chưa cao.
“Việc để xảy ra nguy cơ xói lở ở khu vực của Palm Garden như hiện tại, theo nhìn nhận của thành phố là do phía DA kè khẩn cấp làm mỏ hàn ra biển 60m để làm kè mềm, còn phía Palm Garden trước đây làm ra 80m, nên khi DA kè khẩn cấp làm tới đây thì có hiện tượng sóng đi từ Nam ra Bắc vào khoảng hở ở khu Palm Garden gây xói lở, hơn nữa phía Palm Garden đã phá bao kỹ thuật ở múi hàn bên trong nên cát thoát về phía Bắc buộc chúng tôi phải gấp rút thực hiện dự án để tránh tình trạng tuồn cát ra biển”, ông Hùng nhìn nhận.
Ông Hùng cho biết thêm: “Vừa rồi, thành phố có làm việc với Palm Garden, DA kè sẽ thực hiện làm mỏ hàn 60m theo như kế hoạch, và đã có văn bản đề nghị Palm Garden khớp nối mỏ hàn 20m (từ DA kè khẩn cấp ra mép kè mềm của Palm Garden) và làm mỏ hàn 80m ở phía cuối khu Palm Garden ngăn chặn xói lở”.
Còn ông Nguyễn Doanh thì chia sẻ: “Việc công ty đã bỏ ra khoản kinh phí lớn, giờ lại bỏ thêm số tiền không nhỏ thực hiện tiếp thì thật khó khăn. Hơn nữa, doanh nghiệp đang đề nghị tạm dừng DA kè để nghiên cứu đồng bộ nhưng họ vẫn thực hiện khiến nguy cơ sạt lở ở khu vực Palm Garden ngày càng trầm trọng thêm”.
Phía bên trái sạt lở nghiêm trọng (tính từ bờ tường), phía Palm Garden bên phải cũng đứng trước nguy cơ xâm thực bờ biển |
Liệu đã hài hòa?
Điều đáng nói, ông Phạm Văn Điểu, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng TP. Hội An cho rằng: “DA kè khẩn cấp chỉ thực hiện ở những khu vực dành cho công cộng, còn đoạn bờ biển nào thuộc doanh nghiệp thì đơn vị đó tự thực hiện,thành phố sẽ tạo điều kiện về kỹ thuật cũng như đề xuất hỗ trợ một phần nguồn cung cấp cát để tạo bãi”.
Nhưng khi tìm hiểu thực tế thì trong khu vực DA kè, có Công ty cổ phần du lịch khách sạn Phát Đạt Quảng Ngãi ngay cạnh Palm Garden và một số đơn vị khác thì lại được thực hiện kè, còn phía Palm Garden thì thành phố chưa có hỗ trợ gì?
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, do khu vực trong DA lúc đó bị sạt lở quá nghiêm trọng nên lập đề án kè khẩn cấp, Palm Garden nằm ngoài dự án . Hơn nữa, Công ty Phát Đạt sở hữu 2 ha đất trên do đấu thầu đất nhà nước, kể từ 2008 đến nay chưa thực hiện do gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, công ty mới khởi động trở lại. UBND TP. Hội An có đề nghị Cty Phát Đạt hỗ trợ 4 tỷ đồng để góp phần thực hiện kè, nhưng công ty nói khó khăn nên cam kết sẽ hỗ trợ 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chỗ chị Mai của Công ty Làng lụa (thuê đất) đồng ý hỗ trợ 1 tỷ đồng, anh Tiến kinh doanh dịch vụ (thuê đất) cũng cam kết hỗ trợ 1 tỷ đồng. Số tiền đó, sẽ đưa vào kinh phí thành phố góp vốn cho DA kè khẩn cấp.
Mỏ hàn khiến bên bồi bên lở |
Theo ông Hùng, hiện thành phố đã mời các nhà tham vấn nghiên cứu để thực hiện tiếp đoạn kè thuộc công viên vườn tượng, nằm cạnh phía bắc Palm Garden bởi khu vực này sạt lở quá nghiêm trọng. Khi chúng tôi đặt vấn đề, thành phố chuẩn bị phương án làm tiếp ngay khu bên cạnh mà không đả động gì đến khu vực của Palm Garden; một số đơn vị khác “lơ là” thì lại được làm kè (tuy có đề xuất hỗ trợ nhưng họ nói không có kinh phí nên không đóng thì cũng chịu bởi không có biện pháp chế tài), làm như vậy có gây khó cho Palm Garden?.
Ông Hùng lí giải: “Phía Palm Garden cũng chưa thấy có văn bản đề nghị hỗ trợ gì nên chúng tôi chưa có cơ sở để đề xuất. Chúng tôi chưa giám hứa thành phố sẽ hỗ trợ Palm Garden nhưng nếu có văn bản, chúng tôi sẽ tìm hướng giải quyết thích hợp”.
Thiết nghĩ, thành phố Hội An cần có những tham mưu, đề xuất giải pháp thích hợp, trước hết là giải quyết khẩn cấp việc chống sạt lở bờ biển Hội An, đồng thời tạo sự hài hòa cho các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp đã góp nhiều công sức cho thành phố Hội An ngày càng phát triển.
Tuy DA kè Hội An tiêu tốn 54 tỷ đồng, có kết quả khả quan bước đầu, nhưng theo ông Phạm Văn Điểu thì chỉ là “thử nghiệm”, còn ông Nguyễn Tiến Hùng thừa nhận “hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây xói lở ở biển Hội An”. Theo dự kiến, cuối tháng 5-2017, nhóm nghiên cứu nguyên nhân và giải pháp chống xói lở ở biển Hội An báo cáo tỉnh Quảng Nam. |
Dự án chống xói lở cần có sự đồng bộ giữa doanh nghiệp và chính quyền |
Tác giả: Xuân Hoài
Nguồn tin: Báo Công An TPHCM