Dường như đó là một “kỳ tích” khi một chiếc tàu hơn 400 CV ra khơi chỉ cách bờ chưa đến 30 hải lý lại bắt được một mẻ cá lớn đến như vậy.
“Trời thương”
Ba ngày sau chuyến biển may mắn, ông Tuấn (thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cùng cha là lão ngư Lê Viết Hoàng đang loay hoay cùng nhóm thợ sửa sang lại thân tàu cũng như vá lại một số chỗ rách trên vàng lưới.
Ông không giấu niềm vui sướng khi kể về những giây phút chạm mặt đàn cá bè khổng lồ. Ông cho rằng chỉ có trời thương mình mới có được may mắn đó.
Ông Tuấn vốn quen với nghề biển từ những năm 14, 15 tuổi. Hơn 20 năm xông pha trên các vùng biển từ vịnh Bắc bộ ra đến tận Hoàng Sa, ông chưa bao giờ gặp một đàn cá lớn đến vậy.
“Đó là chập tối 11-3. Sau một ngày chạy quanh vùng biển Cồn Cỏ mà không phát hiện đàn cá nào, tui chợt giật mình thả cả chén cơm đang ăn khi phát hiện trên máy dò hiện ra một vùng đỏ rất lớn. Cả 15 bạn thuyền trên tàu cùng xúm vào màn hình máy dò mà không ai tin nổi vào mắt mình” - ông Tuấn nói.
Như vẫn chưa tin, ông Tuấn mới tắt bật máy dò ngang và dò đứng quét lại thêm một lần nữa cho chắc ăn. Tín hiệu trên máy dò vẫn cho ra kết quả như cũ. Khi đó cả tàu mới nhảy cẫng lên “trúng lớn rồi”, lão ngư Lê Viết Hoàng kể lại khoảnh khắc đó.
Máy dò được trang bị trên tàu ông Tuấn là loại máy dò ngang và dò dọc khá hiện đại của Nhật. Máy này ba năm trước ông được trung tâm khuyến ngư của tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 50% giá trị để trang bị. Trong khoảng bán kính 250m, máy có thể cho phép ngư dân ước đoán khá chính xác trữ lượng đàn cá.
Nhưng với trường hợp này, dường như trữ lượng đàn cá vượt xa ngoài tầm tưởng tượng của những người trên tàu. Hai cha con ông Tuấn đều thừa nhận mình đoán sai khi ban đầu chỉ ước chừng đàn cá 50-60 tấn.
“Con số này tương đương với trữ lượng lớn nhất của một đàn cá mà tui đã từng nghe có người đánh bắt được. Nên tui nghĩ đạt đến con số cao nhất từ trước đến nay đó đã là quá nhiều rồi” - ông Tuấn kể.
Mẻ cá bè 6 tỉ đồng
Là những người dân biển lâu năm, ông Tuấn và những ngư dân trên tàu hiểu rõ tập tính của đàn cá này. Phát hiện đã khó, việc vây bắt được cả đàn càng khó hơn. Theo ông Hoàng, loài này thường sống ở tầng lửng khoảng 30-40m nước, di chuyển rất nhanh. Tàu chạy 8 hải lý/giờ đàn cá cũng bơi tương tự. Tàu chạy 10 hải lý/giờ, cá cũng bơi 10 hải lý/giờ. Hơn nữa đây là đàn cá rất lớn nên rất dễ hỏng ăn.
Một kế hoạch được vạch ra dựa vào tất cả hiểu biết của ngư dân về loài cá này. Tàu tăng tốc chạy song song với hướng bơi của đàn cá. Khi bắt kịp đàn, vàng lưới dài khoảng 1km được thả từ từ song song với đàn cá bơi. Nhưng đàn cá quá đông, vàng lưới có vẻ như quá ngắn so với tốc độ di chuyển của chúng. Đã có lúc những ngư dân trên tàu tưởng như chào thua, nhưng may mắn đã mỉm cười với họ.
“Lúc đuổi theo đàn cá và thả lưới bao vây, đúng lúc lưới chỉ còn gần 200m thì đàn cá bất ngờ quay vòng ngược trở lại. Đó chính là thời cơ của ngư dân làm nghề lưới vây. Chỉ khoảng 1 giờ sau, gần như toàn bộ đàn cá đã nằm gọn trong vòng vây của vàng lưới nhờ cú quay vòng này” - ông Tuấn hào hứng.
Suốt đêm đó, cả tàu thức trắng chỉ để bắt cá lên khoang. Ông Hoàng kể hơn 40 năm làm nghề biển của đời ông chưa bao giờ thấy nhiều cá đến thế. 15 người bắt liên tục suốt đêm vẫn không vơi. Hai hầm tàu lớn đã đầy ắp trong khi cá trong lưới cứ bắt hết lớp này thì lớp khác từ dưới lại ngoi lên.
Rạng sáng, ông Tuấn phải gọi thêm 4 chiếc tàu từ bờ ra chở giúp cá vào. Gần chục chuyến tàu vào ra trong suốt từ sáng 12 cho đến trưa 13-3 mới đưa hết số cá vào bờ. Ông Tuấn tính sơ sơ cũng trên 160 tấn cá.
Dấu hiệu biển hồi sinh
Thời điểm này đang là mùa cá cơm (còn gọi là cá duội) nên khu neo đậu tàu của xã Gio Việt 2-3 ngày qua có vẻ nhộn nhịp hơn bình thường. Cả vùng Gio Việt có đến hơn 130 tàu lớn thì đã ra khơi hơn một nửa.
Phần lớn tàu còn lại đều vừa vào lại bờ sau chuyến đánh bắt. Khắp các cầu cảng đều rộn ràng tiếng cười nói của ngư dân. Nhiều ngư dân cho biết tuy chưa trở lại được như trước nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã có những tín hiệu vui cho ngư dân từ biển.
Mới chuyến biển đầu năm đã có tàu của vùng này trúng đến 2,5 tấn cá cơm chỉ sau một đêm ra khơi. Nhiều tàu khác cũng trúng từ 1-2 tấn. Và đến hiện tại, tàu của ông Tuấn trúng đến 160 tấn cá bè, trị giá hơn 6 tỉ đồng.
Giữa năm 2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, chúng tôi về vùng biển này không nhận ra nơi đây là một làng biển nữa. Tất cả tàu bè trùm mền nằm yên trong bờ.
Lão ngư Lê Viết Hoàng kể rằng thời điểm đó cả xã chỉ mỗi tàu ông còn ra khơi vì chỉ có tàu ông đủ lớn để vươn khơi ra tận Hoàng Sa đánh bắt. Nhưng đánh bắt về cũng không có người mua. Rồi có người mua thì giá rẻ mạt.
Ông Hoàng nói thời điểm đó ngay cả một ngư dân lão luyện như ông cũng gần như bất lực trước biển khơi. Nhưng rồi như một vòng quay bù trừ của tạo hóa, trời cho cha con ông trúng mẻ cá lớn để bù lại những ngày tháng khó khăn đã qua.
Nghĩ vận may mỉm cười với mình, cha con ông chia sẻ niềm vui này với những ngư dân khác. Ngay khi vừa cập bờ, ông chia cá cho những người dân trong làng xóm. Riêng 15 bạn thuyền cùng đi trên tàu và hơn 30 ngư dân trên những tàu được nhờ ra chở cá vào bờ cũng được chia phần.
“Những ngư dân này cũng vừa trải qua một năm hoạn nạn từ sự cố môi trường. Cái may của tui cũng là cái may của tất cả anh em bạn thuyền” - ông Tuấn nói.
Ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch UBND xã Gio Việt, nói không chỉ gia đình ông Tuấn vui khi trúng mẻ cá lớn, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng vui lây. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho dấu hiệu hồi sinh của biển, cũng là dấu hiệu hồi sinh cho những vùng thuần biển như Gio Việt.
“Không có chuyện dùng thuốc hay thuốc nổ”
Trò chuyện quanh vàng lưới, tuy vui nhưng thi thoảng cha con ông Tuấn vẫn như cố nén lại tiếng thở dài. Đó là bởi những tin đồn về việc cha con ông dùng thuốc nổ hay thuốc độc để đánh bắt đàn cá lớn lan truyền trên mạng mấy ngày qua.
Ông Tuấn lấy chiếc điện thoại của mình, mở những video chính ông quay được ngay khi vừa vây được đàn cá lớn trong vàng lưới. Bốn đoạn video đầu tiên trong điện thoại ông Tuấn, đàn cá hoàn toàn khỏe mạnh và bơi lội tung tăng trong lưới y như bơi giữa biển.
“Tui không hiểu vì sao nhiều người lại tung lời đồn vô căn cứ là tui dùng thuốc nổ hay chất độc để đánh cá chỉ dựa vào bức ảnh cá nổi lên trong lưới. Những bức ảnh này rất đơn giản là được chụp sau đó một ngày một đêm. Với loài cá sống tầng nước 30-40m, chỉ cần kéo nổi lên mặt biển một buổi dưới ánh nắng là đã đuối sức nên nổi trắng lên là điều rất bình thường”- ông Tuấn giải thích.
Tác giả bài viết: QUỐC NAM
Nguồn tin: