Lương không đầy 3 triệu/tháng vẫn bám nghề
Theo phản ánh của các giáo viên, nhân viên hợp đồng theo thời vụ tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Hoằng Hóa thì, họ là những giáo viên, nhân viên hợp đồng trường tại các trường mầm non của huyện có thời gian hợp đồng từ năm 2012, 2013 cho đến nay. Mức lương mà họ nhận được chỉ 2,8-2,9 triệu đồng/tháng.
Khi ký hợp đồng với các trường mầm non, những nhân viên, giáo viên này đều đã có bằng Trung cấp sư phạm mầm non hệ chính quy. Trong quá trình công tác, họ đã đi học lên Đại học và hiện đã có bằng Đại học hệ tại chức.
Dù công việc dạy trẻ vất vả, tuy nhiên nhiều giáo viên hợp đồng với đồng lương không đáng là bao họ vẫn cố gắng bám nghề. |
Mới đây, UBND tỉnh có cho các huyện tuyển dụng thêm một số giáo viên. Tỉnh cũng ra công văn rất rõ việc tuyển dụng sẽ được ưu tiên số giáo viên có thời gian công tác lâu năm, không kể bằng Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, UBND huyện Hoằng Hóa khi tuyển dụng lại ưu tiên đối với những trường hợp có bằng Đại học nhưng lại có thời gian công tác rất ngắn.
Một giáo viên hợp đồng tại Trường Mầm non xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Năm 2013, tôi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non hệ chính quy, Trường Đại học Hồng Đức và được ký hợp đồng làm việc tại Trường mầm non xã Hoằng Trường. Hiện tại tôi đang dạy lớp trẻ 3 - 4 tuổi.
Do nhà cách trường hơn 10km nên hàng ngày tôi đến trường từ 6 giờ kém cho đến 18 giờ mới về đến nhà. Với mức lương 2,8 – 2,9 triệu đồng/tháng, nhưng chúng tôi vẫn tha thiết gắn bó với nghề. Khi biết tin tới đây huyện sẽ tuyển dụng, ai cũng mong mình có được tấm vé trúng tuyển. Thế nhưng, phần lớn các giáo viên đang hợp đồng lâu năm tại trường đều bị trượt do chúng tôi chỉ có bằng Trung cấp sư phạm mầm non còn bằng Đại học tại chức họ không tính.
“Những người được trúng tuyển đợt này đa số là những người mới ra trường, chưa có thời gian cống hiến cho ngành. Hiện nay, chúng tôi rất lo lắng vì nếu sau khi tuyển dụng đủ giáo viên, chúng tôi có thể sẽ bị cho thôi việc” – một giáo viên đang công tác tại trường mầm non xã Hoằng Trinh tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Đào, Hiệu Trưởng Mầm non xã Hoằng Trinh cho biết: “Toàn trường có 390 học sinh với 24 giáo viên và 8 nhân viên hợp đồng. Hiện nhà trường vẫn còn thiếu 5 giáo viên theo định biên. Nhiều năm nay, UBND tỉnh không cho tuyển dụng giáo viên, trong khi đó, số lượng trẻ ra lớp ngày càng tăng khiến nhà trường thiếu nhiều giáo viên. Nếu không có những nhân viên hợp đồng theo thời vụ thì nhà trường không thể tổ chức ăn bán trú cho học sinh được, chất lượng dạy học, chăm sóc trẻ cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, không thể phủ nhận vai trò cũng như những cống hiến của các nhân viên hợp đồng tại các trường”.
Theo tìm hiểu, các nhân viên hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được ký hợp đồng lao động với công việc là nhân viên dinh dưỡng nhưng thực tế phần lớn các cô vẫn tham gia đứng lớp do thiếu giáo viên. Nhiều trường mầm non có số giáo viên, nhân viên hợp đồng từ 20 đến 28 người, như: Hoằng Phụ, Hoằng Trường…
Huyện có làm trái công văn của tỉnh?
Được biết, ngày 23/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 3134/QĐ-UBND về việc giao số lượng hợp đồng giáo viên mầm non theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 31/8/2017, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn 1253/LN-NV-GD&ĐT-LĐTB&XH, trong đó có nội dung ưu tiên xét hết số người đạt trình độ Đại học, sau đó đến Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp…
Do thấy Công văn 1253 có nhiều bất cập trong quá trình triển khai, đặc biệt sẽ thiệt thòi cho những giáo viên có bằng Trung cấp nhưng có thời gian công tác lâu năm, nhiều huyện đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét.
Ngày 12/1/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 466/UBND – THKH về việc thực hiện xét hợp đồng giáo viên mầm non và giáo viên Tiếng Anh theo QĐ số 60/2011/QĐ-TTg.
Công văn trên có nội dung: “Ưu tiên xét những giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp theo quy định và có thời gian hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật, khách quan, công khai, minh bạch. Trong đó, về trình độ chuyện môn: Đối với giáo viên mầm non là Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non trở lên”.
Thực hiện theo văn bản chỉ đạo này của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiều huyện đã tiến hành xét tuyển ưu tiên những giáo viên đang hợp đồng tại các trường mầm non. Tuy nhiên, tại huyện Hoằng Hóa vẫn áp dụng tiêu chí xét trúng tuyển theo công văn 1253/LN-NV-GD&ĐT-LĐTB&XH của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước đó.
Ngày 15/3, huyện Hoằng Hóa công bố danh sách trúng tuyển với 65 người có trình độ Đại học, Cao đẳng, phần đông là người mới ra trường chưa có thời gian cống hiến cho ngành. Kết quả này khiến những nhân viên, giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non trên địa bàn huyện vô cùng bức xúc.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hoằng Hóa giải thích: “Huyện Hoằng Hóa không có giáo viên hợp đồng tại các trường mà chỉ là hợp đồng nhân viên dinh dưỡng và các nhân viên này không hề tham gia đứng lớp.
Vì vậy, khi có chỉ tiêu xét tuyển giáo viên mầm non theo quyết định của UBND tỉnh, huyện cũng nhận được công văn 466/UBND – THKH của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng xét thấy trên địa bàn huyện không có đối tượng hợp đồng lao động tại các trường nên thực hiện xét tuyển theo công văn 1253/LN-NV-GD&ĐT-LĐTB&XH của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đó là ưu tiên xét hết hết số người đạt trình độ Đại học, sau đó đến Cao đẳng và đến trình độ Trung cấp”.
Cũng theo ông Phúc thì nhân viên dinh dưỡng tham gia đứng lớp là do các cô tự nguyện, huyện không có trách nhiệm trong việc này.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí