Kinh tế

Giao hàng Tết kiếm bạc triệu mỗi ngày

Kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhưng những người giao hàng dịp Tết chịu áp lực rất lớn để kịp mang hàng đến cho khách

Càng gần đến Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến, lượng hàng mua bán tăng gấp hàng chục lần bình thường. Các dịch vụ giao hàng hay người giao hàng (shipper) phải làm việc hết công suất để hàng đến tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.

Mỗi ngày cả trăm đơn hàng

Nhiều shipper cho biết vài tuần nay họ làm việc gần như không có ngày nghỉ, hàng giao tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, rất mệt nhưng đổi lại, thu nhập tăng lên vài lần.

Nhân viên giao hàng siêu thị

Nhân viên giao hàng siêu thị tất bật với hàng trăm đơn hàng mỗi ngày trong dịp Tết Ảnh: TẤN THẠNH

Chị Lê Diễm Lệ ở quận 4, TP HCM cho biết do có mối quen từ một người bán hàng online cùng khu phố với các mặt hàng quần áo nên hằng ngày, chị nhận khoảng 40-50 gói hàng đi giao cho khách từ các quận nội thành đến những quận vùng ven với mức phí từ 20.000 - 40.000 đồng/gói, thu nhập từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng. "Vài tuần gần đây, mỗi ngày tôi giao hơn 100 gói nên phải dậy từ rất sớm, chạy suốt hàng trăm cây số vòng quanh TP, từ nội thành ra ngoại thành. Có hôm phải bỏ cả ăn uống để giao hàng cho kịp, mệt không thể tả nhưng thấy thu nhập tăng gấp đôi ngày thường mình vẫn thấy vui vì có thêm tiền sắm Tết cho cả nhà" - chị Lệ tâm sự.

Anh Nguyễn Minh Tùng - ở quận 1, TP HCM - làm shipper gần 3 năm nên có nhiều mối, bình thường mỗi ngày nhận giao hàng cả trăm gói, còn những ngày gần Tết như hiện nay, nguồn hàng tăng gấp 2-3 lần nên phải huy động thêm người nhà đi giao mới kịp. Theo anh Tùng, nghề này cần phải giữ chữ tín, giao hàng đúng nơi, đúng giờ, đúng hàng mới sống được.

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ khi thấy dịch vụ giao hàng dịp Tết dễ kiếm tiền cũng đổ xô đầu quân cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh như GHN, J&T, MrSpeedy… hoặc chuyển sang dịch vụ giao dịch hàng của Grab, GO-Viet hay Now để tăng thu nhập. Ông Quyền ở quận 8, TP HCM cho biết chạy xe ôm công nghệ bây giờ cạnh tranh nhiều quá nên chuyển sang nhận giao hàng, vừa được tiền cước vừa được tiền thưởng. Đặc biệt, dịp Tết lượng hàng giao tăng đột biến nên thu nhập cũng khá hơn chạy xe ôm.

Anh Long (quê ở An Giang, lên TP HCM tham gia Công ty J&T giao hàng được hơn nửa năm) cho biết lương mỗi tháng được khoảng 4 triệu đồng; mỗi gói hàng giao cho khách được công ty trả thêm 6.000 đồng, nếu chịu khó nhận thêm các đơn hàng của khách giao về công ty sẽ được nhận thêm 1.000 đồng/đơn hàng. Còn theo ông Hậu (ở Hóc Môn, TP HCM; đầu quân cho Công ty GHN), mỗi ngày nhận từ 80-100 gói hàng giao cho khách, cứ một gói hàng được hưởng thêm 5.000 đồng. "Nếu chịu khó giao hàng từ sáng đến tối cũng được khoảng 500.000 đồng, cộng với tiền lương mỗi tháng cũng kiếm được chục triệu đồng/tháng. Còn dịp Tết này, công ty giao hàng ra tăng gấp 2-3 lần nên có thể kiếm cả triệu đồng mỗi ngày" - ông Hậu nói.

Tuy nhiên, áp lực lớn nhất với các công ty cấp ứng dụng giao hàng thời điểm này là thiếu tài xế vì nhiều người đã về quê ăn Tết, đặc biệt là sinh viên và người lao động tự do. Do đó, khi khách hàng cần người giao hàng nhưng công ty không đủ tài xế để cung ứng sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín và thu nhập của doanh nghiệp. Chưa kể, đơn hàng có thể bị hủy vì thời gian giao hàng quá lâu.

Siêu thị tăng cường giao hàng tận nhà

Để cạnh tranh với các đơn vị bán hàng online, giao tận nơi, các siêu thị trên địa bàn TP HCM vài năm gần đây cũng đẩy mạnh hoạt động giao hàng cho khách. Những ngày gần Tết, lượng khách mua sắm tăng cao, tạo áp lực rất lớn với các siêu thị trong việc bảo đảm giao hàng kịp thời theo yêu cầu của khách. Để tạo điều kiện tốt nhất cho khách mua sắm, các siêu thị đang áp dụng chính sách giao hàng linh hoạt: thay vì chỉ giao miễn phí trong bán kính quy định (thông thường là 5 km), các siêu thị còn nhận giao hàng cho khách ở xa và tính phí trên từng km phát sinh (vẫn miễn phí 5 km đầu, tính phí cho những km sau) nên lượng khách sử dụng dịch vụ này ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết các hệ thống bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op đều có đội ngũ nhân viên giao nhận riêng, trung bình khoảng 10 người/siêu thị, với những siêu thị lớn có thể lên tới 17-18 người. Năm nay, ngoài việc bổ sung thêm lực lượng giao hàng thời vụ, Saigon Co.op đã ký hợp đồng với Grab, trường hợp việc giao hàng Tết tại các Co.opmart, Co.opXtra… quá tải, các tài xế của Grab sẽ hỗ trợ. "Cho đến thời điểm này, nội bộ các siêu thị vẫn sắp xếp được nên chưa phải dùng đến sự trợ giúp từ Grab. Chúng tôi cũng vừa áp dụng công nghệ thông tin vào công tác giao hàng nên tổ chức khoa học, hợp lý hơn, nhân viên đỡ mất sức hơn mà công việc hiệu quả hơn" - ông Đức nói.

Một số nhà bán lẻ không trực tiếp quản lý mà khoán khâu giao hàng cho các công ty giao nhận chuyên nghiệp và phối hợp, kiểm soát kết quả thực hiện. Chẳng hạn, MM Mega Market hợp đồng với một công ty giao nhận thực hiện cả 3 mảng: giao hàng cho khách vãng lai mua sắm ở các trung tâm MM Mega Market có hóa đơn từ 500.000 đồng trở lên, xe lạnh giao cho các nhà hàng, khách sạn và xe tải giao các đơn hàng đặc biệt mùa Tết (giỏ quà tặng…).

Tác giả: NGUYỄN HẢI - PHƯƠNG AN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP