Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí lúc 1h sáng 17/7. Ảnh: Đ.V |
Chuyện gì đang xảy ra trong ngành giáo dục?
Trong những ngày qua, Hà Giang - một tỉnh nghèo tại miền núi phía Bắc bỗng trở thành “tâm điểm” của báo chí, truyền thông một cách “bất đắc dĩ” theo cách không ai muốn liên quan đến scandal gian lận thi cử gây “chấn động” cả nước. Thông tin về việc sửa, nâng điểm thi cho hàng trăm thí sinh với hàng trăm bài thi được công bố đã khiến xã hội thực sự phẫn nộ. Dư luận đang đặt câu hỏi, chuyện gì đang xảy ra trong ngành giáo dục?
Hẳn nhiều người còn nhớ, ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, "2 trong 1" vừa kết thúc, tại cuộc họp báo chiều 27/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ “tự tin” khẳng định, kỳ thi năm nay đã được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn đúng quy chế. Phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực thì “đùng một cái” chưa đầy 1 tháng sau, cả nước giật mình vì kết quả thi bất thường ở Hà Giang.
Bất thường ở chỗ, Hà Giang vốn là tỉnh thuộc nhóm có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước (89,35%), tuy nhiên ở đây lại có tới 3 thí sinh trong danh sách những người đạt điểm cao nhất của kỳ thi. Điều đáng nói là những học sinh này vốn có điểm thi thử trước đó rất thấp.
Không chỉ vậy, bảng điểm xét tuyển theo khối của nhiều thí sinh thuộc trường THPT chuyên Hà Giang được cho là quá bất thường khi có sự chênh lệch một cách quá xa giữa điểm số các môn thi: Có em điểm 3 môn dùng để xét tuyển đại học đều cao trên 9, nhưng các môn còn lại rất thấp, chỉ 2-3 điểm, thậm chí là chưa đến 2 điểm.
Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán - Lý - Hóa) của cả nước là 82 thì riêng Hà Giang có 29 (35,3%). Đối với môn Lý, toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28.
Như thế, Hà Giang vượt mặt hầu hết các địa phương có truyền thống dẫn đầu toàn quốc về điểm thi cao trong các kỳ thi tốt nghiệp PTTH.
Những bất thường quá rõ ràng khiến dư luận không khỏi “xôn xao bàn tán”. Sự việc nghiêm trọng tới mức, ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã phải lên Hà Giang để phối hợp điều tra nghi vấn điểm thi cao bất thường.
Trao đổi với báo chí lúc gần 1h sáng ngày 17/7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, qua rà soát, Bộ phát hiện có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình chấm thi ở Hà Giang.
Tại cuộc họp báo chiều 17/7, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.
Muốn xã hội văn minh, phát triển thì phải bắt nguồn từ một nền giáo dục công bằng, minh bạch và tử tế. Ảnh minh họa. |
Có thể nói, hành vi của vị cán bộ sở GD-ĐT Hà Giang đã ngang nhiên chà đạp niềm tin của xã hội vào giáo dục và phá hoại công sức của hàng chục ngàn thầy cô giáo và cán bộ quản lý trong công tác tổ chức thi và coi thi, của gần 1 triệu thí sinh dự thi.
Điều bức xúc hơn nữa là gian lận này lại xảy ra tại một kỳ thi rất quan trọng – kỳ quốc gia THPT vốn được xem nghiêm túc nhất, từ đó mở ra cánh cổng đại học danh giá của các sĩ tử, nơi tuyển chọn nhân tài tương lai của đất nước. Do đó, để trả lại sự công bằng, uy nghiêm vốn có của một kỳ thi lớn, công luận mong muốn những kẻ trực tiếp thực hiện hành vi sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang phải được xử lý nghiêm minh.
Những lãnh đạo trực tiếp của kỳ thi này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. Muốn xã hội văn minh, phát triển thì phải bắt nguồn từ một nền giáo dục công bằng, minh bạch và tử tế.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc một Phó trưởng phòng khảo thí can thiệp vào kết quả thi thì đó chỉ là người trực tiếp vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm này liên quan đến hơn 100 thí sinh chứ không chỉ vài thí sinh thì chắc chắn vụ việc phải có chuẩn bị trước, mới có thể quy tụ tập hợp lên danh sách được một số đông thí sinh như vậy.
Trước hết, không thể nói những cá nhân là thành viên của tổ chấm trắc nghiệm là vô can, cần truy cứu vai trò của từng người.
Cần xác định được trách nhiệm của lãnh đạo Sở GD- ĐT Hà Giang, và đặc biệt xác định được các phụ huynh, thí sinh liên quan đến đường dây này. Còn rất nhiều câu hỏi đặt ra như Vũ Trọng Lương có từng gian lận thi cử những năm trước đây hay không, và liệu còn có những "Vũ Trọng Lương" ở các Sở GD-ĐT khác hay không?
Liệu có còn công bằng, minh bạch trong các kỳ thi?
Còn nhớ, tại phiên chất vấn tại Quốc hội, ngày 6/6/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ. “Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”, Bộ trưởng Giáo dục tự tin nói.
Thế nhưng, đã hơn nửa nhiệm kỳ trôi qua, ngành giáo dục nước nhà vẫn loay hoay với bao thứ ngổn ngang như một công trình xây dựng dang dở, thiếu bàn tay của một kiến trúc sư trưởng tài năng. Nhiều cuộc cải cách, thí điểm kiểu “đầu voi đuôi chuột” ngốn không ít tiền của từ ngân sách nhà nước nhưng đến giờ vẫn chưa có lời giải và cũng không được đánh giá, rút kinh nghiệm, khiến phụ huynh bất bình vì con cái họ bị đem làm “chuột bạch” cho những thí nghiệm của ngành giáo dục.
Nếu có chiến lược, có tầm nhìn, ngành giáo dục đặt lợi ích của người học, của nhân dân lên trên thì có lẽ ngành giáo dục đã không có nhiều nhức nhối, không phát sinh tiêu cực như vụ việc tại Hà Giang vừa qua, đồng thời chúng ta cũng tiết kiệm được rất nhiều thứ.
Nếu ngành giáo dục không có những sự thay đổi kịp thời và hiệu quả thì nền giáo dục nước nhà sẽ mãi tụt hậu khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra và lan tỏa đến tất cả các ngóc ngách của đời sống xã hội.
Có người đã ví von, Hà Giang vừa đã trải qua 2 trận lũ lịch sử. Trận lũ do thiên nhiên gây ra và trận lũ khác có sức tàn phá không kém diễn ra ngay sau kỳ thi THPT quốc gia. Trận lũ điểm ở Hà Giang này nó sẽ cuốn nhiều thứ, thứ nhất là cuốn đi niềm tin vào một chủ trương thi 2 trong 1 và giao quyền cho các địa phương tổ chức. Thứ hai là nó còn đặt ra câu hỏi hoài nghi về đánh giá chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT đề ra.
Nhưng trận lũ thứ hai, trận “lũ điểm số” do chính con người gây nên lại khiến cho dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Bởi trận “lũ điểm” tại Hà Giang đã cuốn đi niềm tin trong dư luận về sự công bằng, minh bạch trong giáo dục.
Tác giả: H.Lâm
Nguồn tin: Báo Công Luận